Đừng lơ là với lạm phát

Theo Ngọc Khanh/thoibaonganhang.vn

Mặc dù mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế để giữ đà tăng trưởng đang được đặt lên hàng đầu, song các chuyên gia khuyến nghị vẫn cần lưu ý tới yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi sau khi dịch bệnh qua đi, sẽ có nhiều vấn đề có thể trở thành “ngòi nổ” với lạm phát năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ ở giá thịt lợn

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước, với 7/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giảm, trong đó nhóm giao thông giảm mạnh nhất ở mức 4,78% do giá xăng dầu giảm mạnh và sự hạn chế tối đa nhu cầu đi lại, du lịch. Tuy nhiên áp lực lạm phát vẫn còn khá lớn khi chỉ số CPI tháng 3 và bình quân quý I/2020 lần lượt tăng 4,87% và 5,56% so với cùng kỳ năm 2019 và ở mức cao nhất trong vòng 7 năm, vượt khá xa so với mục tiêu 4%.

Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhóm hàng thiết yếu đã trở thành nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI tăng cao so với cùng kỳ. Đáng chú ý là thịt lợn tăng tới 59,81% và riêng mức tăng của nhóm hàng này đã góp 2,47 điểm % trong mức tăng 5,56% của lạm phát quý I/2020. “Chúng ta thấy rằng giá thịt lợn đang ở mức rất cao và đó là yếu tố tiềm ẩn rất lớn đối với lạm phát của năm nay”, bà Ngọc nhận định.

Một số nhóm hàng thiết yếu khác cũng góp phần làm tăng CPI quý I như rau quả tăng 4,14%, điện sinh hoạt tăng gần 10%, nước sinh hoạt tăng 4,75%, vật liệu xây dựng bảo dưỡng nhà ở tăng 2,52%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,43%...

Tổng cục Thống kê khuyến nghị, việc hạ nhiệt được giá thịt lợn sẽ góp phần kiểm soát tốt CPI trong thời gian tới, nếu không thì yếu tố này sẽ chẳng khác nào “ngòi nổ” đối với lạm phát trong các tháng còn lại của năm 2020. Theo ghi nhận, giá thịt lợn trên thị trường vẫn đang ở mức rất cao, bình quân tháng 3/2020 ở mức 75.000-82.000 đồng/kg với lợn hơi, còn giá bán lẻ ngoài thị trường là trên 150.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 90.000-100.000 đồng/kg. Tổng cục Thống kê đã tham vấn với các bộ, ngành vào cuộc để rà soát các khâu từ giá thành sản xuất đến giá bán đến tay người tiêu dùng, phải làm sao giảm về mức bình quân 60.000 - 65.000 đồng/kg, sẽ giảm áp lực lên lạm phát.

Ông Lê Trung Hiếu - Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản thông tin, trong những tháng tới, sự chênh lệch cung cầu vẫn sẽ tiếp diễn và khả năng sẽ thiếu hụt khoảng 100.000 tấn thịt lợn. Trong quý II và quý III sẽ còn thiếu khoảng 30.000 tấn. “Theo phân tích của chúng tôi, giá thịt lợn hơi có thể bắt đầu giảm xuống từ cuối tháng 6/2020 và tới hết quý III/2020 mới có thể về mức 60.000 đồng/kg. Nếu chúng ta không nhập khẩu đủ thịt lợn để bù đắp phần thiếu hụt trong nước, sẽ ảnh hưởng tới giá thị trường”, ông Hiếu dự báo.

Không thể chủ quan

Nhìn trong bức tranh tổng thể, ngoài yếu tố giá thịt lợn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thì công tác điều hành giá năm nay dường như đối diện khá nhiều thuận lợi.  Bà Đỗ Thị Ngọc phân tích một yếu tố khác là sự biến động của giá xăng dầu. Trong 3 tháng đầu năm vừa qua giá xăng dầu thế giới là yếu tố có lợi đối với CPI, tuy nhiên mặt hàng này cũng biến động rất thất thường. Ngay từ ngày 9/3, sau 1 đêm giá dầu Brent giảm tới 24% nhưng sau đó lại tăng trở lại. Tới ngày 18/3, giá dầu tăng lại 14% sau đó giảm 13%, cho thấy biến động tăng giảm rất mạnh với biên độ lớn và là yếu tố khó lường. Tuy nhiên theo dự báo của các tổ chức quốc tế thì giá dầu năm 2020 là một yếu tố có lợi đối với công tác điều hành giá.

Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu giảm mà lạm phát vẫn tăng khá cao trong quý I cũng cho thấy, trong thời gian tới sẽ có tác động trễ của việc giảm giá xăng đối với mặt bằng giá cả. Như vậy, “tình hình chưa đáng lo bây giờ, nhất là trong điều kiện khó có thể khôi phục sớm nhiều chuỗi sản xuất của ta và chưa kỳ vọng ngay vào việc cải thiện tốc độ giải ngân vốn đầu tư công - giải pháp được coi là quan trọng nhất để duy trì và kích thích tăng trưởng”, một chuyên gia chia sẻ.

Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô quý I của Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho thấy, trong năm 2020, bối cảnh tổng cầu, giá dầu và năng lượng giảm mạnh và đứng ở mức thấp, nên dù nhiều nước kích thích kinh tế, giá thực phẩm và dịch vụ y tế tăng, nhưng lạm phát toàn cầu vẫn ở mức khá thấp khoảng 2,2% (so với mức 2,5% năm 2019). Đến nay, việc giá hàng hoá thế giới, đặc biệt là xăng, dầu, kim loại… cùng với chỉ đạo không tăng giá dịch vụ do Nhà nước quản lý năm nay, đã góp phần làm giảm áp lực lạm phát của Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ quan này nhấn mạnh, khi dịch bệnh được kiểm soát (kỳ vọng vào cuối quý II/2020), sẽ có sự bật tăng trở lại của sản xuất, đầu tư, tiêu dùng; đặc biệt nếu việc thực thi chính sách hỗ trợ kém hiệu quả, có thể sẽ khiến lạm phát vượt 4%. Trước tình hình đó, xu hướng tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, y tế... tiếp tục diễn ra, ít nhất đến hết quý II/2020. Viện Đào tạo và Nghiên cứu của BIDV dự báo, chỉ số CPI sẽ tăng 5-5,2% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020. CPI bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 có thể tăng khoảng 4-4,5%, nếu không quyết liệt kiểm soát. Do đó, cần tiếp tục quan tâm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phối hợp đồng bộ các chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả.

TS. Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lưu ý thêm, điểm cần quan tâm nữa là lạm phát cơ bản tháng 3/2020 ở mức 3,05%, cách khá xa so với mức điều hành thông thường là khoảng 2-2,5%. Vì vậy ông Ngân khuyến nghị, Chính phủ nên dựa vào lạm phát cơ bản để hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ. Khi hết dịch, kinh tế phục hồi giá xăng dầu sẽ tăng trở lại, hiệu ứng té nước theo mưa sẽ làm giá cả tăng nhanh, cộng với giá lương thực có thể tăng, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ, lãi suất để nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng, sẽ gây ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định vĩ mô của nền kinh tế.