Đừng quá lo ngại với những phiên giảm sâu
Nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển trong thời gian tới
TTCK đã có 2 phiên giảm sâu, Vn-Index mất hơn 12%, vốn hoá thị trường bay mất khoảng 20 tỷ USD. Lý do giảm điểm ngoài việc giảm điểm của thị trường thế giới thì việc thị trường Việt Nam thời gian qua tăng điểm mạnh, giá các cổ phiếu “Big Cap” lên nhanh hơn so với hiệu quả kinh doanh P/E tăng cao. Bên cạnh đó, hàng loạt các công ty lớn nhà nước thoái vốn, nhiều NĐT cá nhân tham gia đấu giá sắp đến ngày nộp tiền và sắp nghỉ tết nên mọi người muốn thoát danh mục để giảm chi phí margin... cũng là những yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường. Việc giảm giá đã khiến các NĐT thiệt hại đáng kể.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người trong cuộc, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI) cho biết, trong một chừng mực nào đó đợt giảm giá cũng có tác động tích cực, giúp NĐT thận trọng và tỉnh táo hơn khi tham gia thị trường. Qua đấy thị trường sẽ sớm ổn định trở lại và tăng trưởng có chọn lọc phù hợp với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Lý giải cho nhận định của mình, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, tuần trước Ngân hàng UBS - ngân hàng nhiều năm được nhận giải ngân hàng có đội ngũ nghiên cứu phân tích uy tín đứng đầu thế giới - đã ra báo cáo “Việt Nam quá lôi cuốn để có thể bỏ qua”. Dự báo Việt Nam có thể đạt được kịch bản GDP tăng trung bình 7,2%/năm trong nửa thập kỷ tiếp theo và khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng bền vững chứ không quá nóng. Lý do họ đưa ra nhận định trên là Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn kiểm soát tốt lạm phát, đây là yếu tố khác biệt so với những thời kỳ tăng trưởng mạnh trong quá khứ luôn đi kèm với lạm phát ở mức rất cao.
“Năm 2018 là năm phát triển tốt của TTCK. Nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh và bền vững thì chắc chắn không thể xảy ra khủng hoảng nội tại”, ông Hưng nhận định.
Đồng quan điểm này, ông Lê Tiến Đông, Phó tổng giám đốc CTCK Artex, cho biết TTCK Việt Nam bị tác động bởi bên ngoài bởi TTCK Mỹ giảm sốc. Sự hoảng loạn của NĐT trên TTCK Mỹ xuất phát từ chính sách bất thường của tân thống đốc NHTW Mỹ, khiến thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu rối loạn. Nhưng điểm quan trọng nhất là NĐT không đoán được chính sách của vị này là gì khiến họ không thể phòng ngừa dẫn đến hoảng loạn.
Với TTCK Việt Nam, việc thị trường điều chỉnh là dễ hiểu khi năm 2017 vốn nước ngoài vào thị trường niêm yết khoảng 2,7 tỷ USD, còn từ đầu năm 2018 đến nay khoảng 600 triệu USD. Khi thị trường nước ngoài có biến động, NĐT sẽ nghĩ đến phòng thủ và bán bớt cổ phiếu trên thị trường cận biên như Việt Nam để bảo đảm an toàn. Một nguyên nhân khác theo ông Đông liên quan đến việc sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) là, bình thường khi thị trường tăng thì sức mua nở ra theo giá trị tài sản bảo đảm, nhưng khi thị trường xuống NĐT buộc phải bán ra. Cung nhiều dẫn đến sức mua càng thu hẹp và buộc phải bán, kể cả với cổ phiếu không margin…
Tuy nhiên thực tế phiên giao dịch 6/2, các quỹ nội địa vẫn mua ròng chỉ số Vn-Index đã nhích lên. Nếu nhìn vào chỉ số VN30 lúc cao điểm đã có 27 mã giảm sàn, đến cuối phiên vẫn giảm nhưng chỉ còn 5 mã giảm, 2 mã tham chiếu, 4 mã tăng… “Chiều hướng như vậy chứng tỏ NĐT lớn đã có những động thái mua vào ở mức giá tương đối an toàn. Hành động này giúp củng cố niềm tin của các NĐT nhỏ lẻ. Xu hướng 1-2 phiên tới khả năng thị trường ít nhất ổn định trở lại”, ông Đông nhận định.
Một số chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng, việc giảm điểm sâu cũng là cơ hội tốt để các NĐT tham gia thị trường. Củng cố thêm cho lập luận này, các chuyên gia cho rằng, đường cong lãi suất của chúng ta đang ở mức bình thường, kỳ hạn ngắn, lãi suất thấp, kỳ hạn dài lãi suất cao. Thứ nữa là các động thái trên thị trường tiền tệ vẫn rất tích cực, lượng tiền bơm ra thời điểm cuối năm vẫn tăng mạnh, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 vẫn ở mức cao. Khi thị trường tiền tệ đang ổn định, lãi suất thấp, cộng với động thái yêu cầu giảm lãi suất của NHNN thời gian qua sẽ hỗ trợ tích cực cho TTCK phát triển.
Nhìn về vĩ mô cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm sáng và hấp dẫn với NĐT nước ngoài. Thứ nữa với tình hình hiện tại, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ ở mức cao, lạm phát giữ ở mức dưới 4%, tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu khác đều vượt kế hoạch… nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt cho TTCK phát triển trong thời gian tới.