Được vay tín chấp, khách hàng điêu đứng
Vay tín chấp là hình thức cho vay không cần tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn vào uy tín của cá nhân về năng lực trả nợ để phục vụ cho các mục đích cá nhân. Tuy nhiên, với thủ tục vay khá dễ dàng, thời gian giải ngân nhanh nhưng đồng thời người vay cũng phải chịu lãi suất “cắt cổ”.
Lãi suất “cắt cổ”
Đánh vào tâm lý vay vốn khó khăn, nhiều công ty tài chính mọc lên như nấm đang tung các chương trình cho vay không cần tài sản thế chấp.
Dự tính góp vốn với bạn mở quán ăn kinh doanh, do thiếu hơn 50 triệu đồng, chị Linh (quận 8, TP HCM) chạy vạy mãi không vay được. Chị Linh kể, thấy nhiều lời mời hấp dẫn từ các công ty tài chính trên mạng, chị đành đăng ký hồ sơ vay tín chấp nhằm giải quyết sớm kế hoạch làm ăn của mình.
Chị Linh liên hệ qua số điện thoại được công ty tài chính để lại trên Facebook. Được biết, đây là một công ty tài chính liên kết vốn với ngân hàng với lãi suất gần 2%/tháng, tương đương trên 24%/năm.
Theo chị Linh, vay kiểu này không cần thế chấp tài sản, chỉ cần photo chứng minh nhân dân, bảng lương, sổ hộ khẩu và một số giấy tờ khác, chỉ đợi 2 - 3 ngày thẩm định xong là được giải ngân ngay vào số tài khoản ngân hàng của mình.
Tính ra mỗi tháng, khách vay 50 triệu đồng phải trả khoảng 1,6 triệu đồng (nếu vay 4 năm) và hơn 2 triệu đồng (nếu vay 3 năm), đã tính cả gốc và lãi. Ngoài ra, không ít người chấp nhận chi thêm tiền để nhân viên công ty này “làm đẹp” sổ lương nhằm tăng số tiền vay. Tính ra, với khoản vay khoảng 50 triệu đồng trong vòng 4 năm, tổng số tiền cả gốc cả lãi người vay phải trả là xấp xỉ 100 triệu đồng.
Một trường hợp khác là anh Trần Tuấn V. (quận Tân Bình, TP HCM), anh V. kể, vợ anh là người làm nội trợ, không hề có khoản thu nhập nào. Bản thân anh thu nhập khoảng chục triệu đồng mỗi tháng, chỉ đủ chi tiêu các khoản trong đời sống gia đình.
Vậy mà vợ anh vẫn được mời vay và xét cho vay ba hợp đồng vay tiêu dùng, tổng cộng hơn 100 triệu đồng, thực chất là vay khoản sau để trả nợ khoản trước. Đến khi chị không kịp trả nợ, số lãi gốc lẫn lãi phạt quá cao, cả gia đình không cầm cự nổi và đang đứng trước nguy cơ phải bán nhà.
Quảng cáo siêu hấp dẫn
Những lời chào mời hấp dẫn, mật ngọt của các công ty tài chính khiến người có nhu cầu vay vốn dễ rơi vào “ma trận” cho vay tín chấp.
Với số tiền cho vay hàng chục triệu đồng lên đến hàng trăm triệu đồng, trong khi Thủ tục cho vay lại khá đơn giản: Chỉ cần hộ khẩu và chứng minh thư. Thậm chí có đơn vị sẵn sàng cho khách hàng vay tiền thông qua sim điện thoại, cà vẹt xe…
“Bạn đã được duyệt vay 1-10 triệu đồng tại TIMA với lãi suất thấp. Không thế chấp tài sản, chỉ cần CMND. Nhận tiền ngay trong 1 giờ. Ấn vào vào đây để nhận được khoản vay ngay”, một lời quảng cáo hấp dẫn trên facebook kèm theo đường link đăng ký vay.
Hay trên một cái tên khác là Flashmoney, giới thiệu: “Có ngay khoản vay lên đến 6 triệu đồng. Trong ngày tiền vào ngay tài khoản ngân hàng. Đăng ký ONLINE”. Chỉ cần click vào đây, các thủ tục được hướng dẫn chi tiết.
Thời gian gần đây trên mạng xã hội, nhiều quảng cáo, lời chào mời cuốn hút các khách vay, ví dụ như hỗ trợ cho khách hàng vay theo sim Viettel tới 30 triệu đồng. Với dịch vụ này, khách hàng chỉ cần cung cấp chứng minh thư + sổ hộ khẩu + 1 sim viettel. Dịch vụ này cũng được một số Ngân hàng, tổ chức tín dụng như VPbank, FE Credit, ACS, Homcredit, Mcredit, HD Saison…đưa ra với số tiền vay từ 10 - 300 triệu với lãi suất được ghi là “linh hoạt”.
Lãi suất hơn cả tín dụng đen
Theo những lời “mật ngọt” trên Facebook cá nhân, PV đã gọi điện theo số điện thoại của một số công ty tài chính để hỏi vay tín chấp. Đa số các nhân viên ở các công ty tài chính đều yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như số chứng minh thư, địa chỉ, sổ hộ khẩu hay bản sao kê hoạt động ngân hàng, hóa đơn điện, nước, bảng lương, bảo hiểm y tế hay hợp đồng lao động…Ngoài ra, nếu khách hàng làm công an, bộ đội, nhà báo thì không đủ điều kiện cho vay.
Điểm đáng nói ở các dịch vụ cho vay này là tỷ lệ lãi suất luôn được giấu kín hoặc “mập mờ”, không được các công ty tổ chức tín dụng nói rõ ràng. Khách hàng nếu không cảnh giác, tỉnh táo có thể dính bẫy lãi suất cao.
Theo tìm hiểu của PV, một công ty tài chính có tên là Docterdong, có trụ sở tại TP HCM. Khi đăng ký vay tín chấp online chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân và 2 số điện thoại tham chiếu người thân. Nếu được duyệt vay 2,5 triệu đồng, thì tổng số gốc và lãi một tháng khách sẽ phải trả dao động là 3,8 triệu đồng, đồng nghĩa với việc số tiền lãi là 1,3 triệu đồng (!?).
Anh Nguyễn M. (quận 7, TP HCM), từng là nạn nhân của vay tín chấp online cho biết: “Tôi từng vay 2,5 triệu đồng trong một tháng, nếu trả đủ gốc và lãi với số tiền 3,8 triệu đồng đúng hạn thì sẽ được nâng hạn mức lên 3,5 triệu đồng. Sau 1 tháng, nếu vay hạn mức mới, số tiền cả gốc lãi tôi phải trả sẽ là 5,2 triệu đồng (tiền lãi 1,7 triệu đồng/tháng, tương đương với 50%/tháng). Theo tôi, đây là mức lãi suất theo tôi là siêu “cắt cổ”, cao gấp chục lần vay tín dụng đen”.
Đứng trước tình trạng “dở khóc dở cười” trong hoạt động vay tín chấp, trao đổi với CafeLand, một luật sư cho biết: “Vay một cách quá dễ dàng thường là vay “nặng lãi”. Khách hàng đi vay cần hết sức cẩn trọng đối với các lời mời chào cho vay kiểu này. Với khoản vay phải trả lãi 35%/năm trở lên, khách hàng nên tìm kiểu kỹ và có sự cân nhắc. Nếu vay tín chấp với mức lãi suất dưới 20%/năm kèm với thủ tục vay đầy đủ, pháp lý rõ ràng, chặt chẽ thì có thể chấp nhận được”.