Không dễ vay tín chấp qua mạng
Thực hiện chủ trương đẩy lùi tín dụng đen, một số tổ chức tín dụng đã nâng cấp công nghệ, triển khai cho vay tín chấp từ 20-200 triệu đồng qua mạng internet.
Về giải pháp đẩy lùi tín dụng đen, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ có quy định rõ ràng về lãi suất, điều kiện cho vay không có tài sản bảo đảm (tín chấp)…, tạo điều kiện để các NH thương mại phát triển cho vay tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm quy định này, tăng cường kiểm tra nội bộ một số hành vi liên quan đến tín dụng đen.
Phải cung cấp khoảng 50 thông tin...
Thực tế cho thấy, một số tổ chức tín dụng đã nâng cấp công nghệ, triển khai cho vay tín chấp từ 20 - 200 triệu đồng thông qua internet. Tuy nhiên, người dân vẫn khó vay được tiền từ loại hình này.
Do cần tiền mua xe máy cho con, ngày 12/3, anh Lê Viết Châu (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) truy cập trang web vayonline.vpbank.com.vn thuộc NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) để vay 50 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng.
Theo anh Châu, vayonline.vpbank.com.vn thông báo thời hạn vay 1-5 năm, lãi suất 16% - 38%/năm tùy vào mức độ tín nhiệm của khách hàng, đồng thời lãi suất được tính theo dư nợ giảm dần. Tuy nhiên, ngoài lãi suất, người vay còn phải trả phí bảo hiểm khoản vay từ 1,2%-1,5%/năm. Trường hợp người vay trả nợ trước hạn phải chịu mức phạt 3%-4%/số tiền trả nợ trước hạn và mức phạt tối thiểu là 600.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Do quan tâm đến lãi suất, anh Châu liên hệ với VPBank và được nhân viên ngân hàng này giải thích vayonline.vpbank.com.vn chỉ là địa chỉ tiếp nhận thông tin của người vay, thay thế cho việc khách phải đến NH làm hồ sơ vay vốn. Các thông tin của người vay sẽ được chuyển đến cán bộ tín dụng thẩm định, phê duyệt và phải mất khoảng 2 ngày mới có thông báo cho khách hàng biết về số tiền được vay và lãi suất. Nếu bên vay đồng ý thì VPBank sẽ yêu cầu khách hàng ký hồ sơ vay để tiến hành giải ngân.
Tuy nhiên, nhân viên của VPBank cho biết thêm nếu khách hàng có lương chuyển khoản từ 10 triệu đồng/tháng trở xuống, đồng thời có vay các ngân hàng khác từ 50 triệu đồng trở lên thì không thể vay tín chấp, vì không đủ thu nhập để trả nợ hằng tháng. "Trong quá trình thẩm định hồ sơ, VPBank có tra cứu thông tin lưu giữ tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) nên biết được mọi thông tin vay vốn của khách hàng. Từ đó, VPBank sẽ quyết định cho hay không cho vay. Còn trường hợp khách hàng đáp ứng được các điều kiện vay tín chấp 50 triệu đồng, thời hạn 12 tháng thì VPBank áp dụng lãi suất 28%/năm, vốn và lãi chia đều trả góp hằng tháng cộng với phí bảo hiểm khoản vay 800.000 đồng/năm" - nhân viên VPBank tư vấn.
Với những điều kiện như trên, anh Châu thấy không thể đáp ứng nên không tiếp tục làm thủ tục vay.
Không biết vì sao không được vay
Để tìm hiểu thêm về cho vay tín chấp, ngày 13/3, chúng tôi truy cập website easycredit.vn trực thuộc Công ty Tài chính CP Điện Lực. Theo đó, easycredit.vn quảng bá hỗ trợ cho vay từ 10 - 90 triệu đồng, lãi suất 15% - 73%/năm, thời hạn vay từ 6 tháng đến 5 năm (tùy theo nghề nghiệp và hồ sơ cung cấp). Ngoài ra, easycredit.vn ưu đãi người vay trả góp vốn và lãi đúng hạn sẽ được hoàn trả 5%-10%/số tiền vay.
Chúng tôi đăng ký vay 50 triệu đồng với mục đích sửa nhà, thời hạn vay 12 tháng. Ngay lập tức, hệ thống easycredit.vn thông báo số tiền phải trả hằng tháng là 5.272.000 đồng; tính ra bên vay phải trả vốn lẫn lãi là 63.264.000 đồng/năm, trong đó số tiền lãi là 13.240.000 đồng. Như vậy, lãi suất bên vay phải trả khoảng 26,5%/năm.
Sau khi kê khai thông tin xong, easycredit.vn gửi tin nhắn qua điện thoại thông báo khách hàng không phải trả bất cứ chi phí nào trong quá trình giải ngân. Thế nhưng, khoảng 60 phút tiếp theo, easycredit.vn lại gửi tin nhắn thông báo "chưa có khoản vay nào phù hợp cho quý khách".
Nhân viên của easycredit.vn giải thích: "Do thông tin khách hàng cung cấp có vài yếu tố chưa phù hợp nên khoản vay đã bị từ chối. Easycredit.vn vẫn lưu giữ toàn bộ thông tin này để khi có khoản vay hợp lý sẽ chủ động liên hệ, tư vấn cho khách hàng tiếp cận vốn". Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi yếu tố nào chưa phù hợp thì nhân viên của easycredit.vn không trả lời.
Trong khi đó, một số người am hiểu cho biết không ít tổ chức tín dụng tung ra nhiều chiêu thức hấp dẫn, mời chào cá nhân vay tiền qua internet chỉ để khai thác thông tin khách hàng tiềm năng. Sau đó, các tổ chức này sẽ tổng hợp thông tin, xây dựng các sản phẩm cho vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Công ty Tài chính FECredit khẳng định các tổ chức tín dụng triển khai cho vay online là hợp pháp. Bởi lẽ, phương thức cho vay này chỉ là áp dụng công nghệ, thay cho việc khách hàng đến ngân hàng, công ty tài chính để làm thủ tục vay, thường tiêu tốn nhiều thời gian, công sức. Với công nghệ mới, khách hàng có thể ngồi tại nhà cung cấp đầy đủ thông tin, hoàn tất hồ sơ vay qua mạng. Tiếp đến, bên cho vay tiến hành thẩm định, thực hiện quy trình vay vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để quyết định cho vay. Khi đó, người vay phải tiếp nhận và ký trực tiếp vào hồ sơ vay theo quy định.
Thống đốc yêu cầu đẩy lùi tín dụng đen
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi các bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
Cụ thể, thống đốc đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong quá trình thực hiện cho vay chương trình tín dụng, cho vay phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, đặc biệt chính quyền cấp xã, phường, thôn, bản phối hợp với ngành NH hỗ trợ người dân tiếp cận chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; hỗ trợ ngành NH trong quá trình xác minh nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng, cấp bách của người dân nhằm hạn chế người dân tìm đến nguồn vốn không chính thức.
Các địa phương cũng được đề nghị hỗ trợ thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của công ty được cấp phép hoạt động dịch vụ tài chính, tiệm cầm đồ để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những hành vi chưa đúng quy định.
T.Phương