Đường nội trước sức ép cạnh tranh với đường ngoại
Trước sự cạnh tranh từ các loại đường ngoại nhập, nhất là các loại đường có xuất xứ từ Thái Lan, trong những năm qua, ngành Mía đường trong nước gặp nhiều khó khăn, sản lượng giảm sút khá mạnh, trong khi giá các loại đường nội vẫn đang phải cạnh tranh khốc liệt với các loại đường ngoại nhập giá rẻ.
Điều tra chống bán phá giá đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước ASEAN gồm: Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, số liệu nhập khẩu của cơ quan hải quan cho thấy lượng nhập khẩu đường được khai báo có xuất xứ từ 5 nước ASEAN nói trên trong giai đoạn sau khi Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía từ Thái Lan (từ tháng 10/2020 đến tháng 6/2021) đã tăng mạnh so với giai đoạn 9 tháng trước đó, cụ thể lượng nhập khẩu tăng từ 107,6 ngàn tấn lên 527,2 ngàn tấn. Trong khi đó, lượng nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vào Việt Nam lại giảm gần 38%, từ 955,5 ngàn tấn xuống còn 595 ngàn tấn.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại và các đơn vị liên quan) đã chủ động tham vấn, hỗ trợ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng như ngành sản xuất đường mía trong nước thu thập thông tin, số liệu, xây dựng hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm đường mía. Hồ sơ của ngành sản xuất trong nước đã cung cấp một số thông tin, bằng chứng cho thấy có dấu hiệu về việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại qua 5 nước ASEAN nói trên.
Trước đó, vào tháng 2/2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Đến tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan.
Cần có phương án giữ thị phần bán lẻ
Trên thị trường hiện nay, nhất là ở các chợ truyền thống và các điểm bán lẻ, đường trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với các loại đường nhập khẩu, nhất là các loại đường có xuất xứ từ Thái Lan. Các loại đường giá rẻ phần lớn được bán dạng sỉ theo bao với số lượng lớn thường được các quán ăn, quán nước, cà phê... đặt mua nhiều bởi giá “mềm” hơn.
Bà Ngọc Ánh (ngụ P. Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) cho biết, trước khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư, bà có kinh doanh một quán cà phê nhỏ tại nhà nên thường xuyên mua các loại đường Thái Lan ở các chợ với mức giá rẻ hơn nhiều loại đường trong nước để tiết kiệm chi phí. “Hiện nay, những tiệm tạp hóa gần nhà tôi cũng bán các loại đường Thái Lan với nhiều mức giá cạnh tranh, giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Ngay cả đối với việc tiêu dùng trong gia đình, giữa lúc dịch bệnh khó khăn, tôi thấy loại đường nào có sẵn, giá cả phù hợp với kinh tế gia đình thì chọn mua” - bà Ánh chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Song Hào, chủ một sạp tạp hóa tại chợ Phương Lâm (H.Tân Phú) cho hay, hiện giá cả các loại đường nội và các loại đường “bao” có xuất xứ từ Thái Lan khá cạnh tranh. Hiện đường Biên Hòa vào khoảng 24-25 ngàn đồng/kg, đường Thái Lan có giá mềm hơn, vào khoảng 20 ngàn đồng/kg. Mỗi loại đường có những đối tượng người mua riêng. Để giữ thị phần, nhiều loại đường trong nước như: đường Biên Hòa, đường Quảng Ngãi… đã chủ động đa dạng các loại sản phẩm, đóng gói theo khối lượng sỉ và lẻ phù hợp.
Để cạnh tranh với đường ngoại, việc đảm bảo chất lượng, năng suất, đa dạng chủng loại, mẫu mã các loại sản phẩm đường cũng vô cùng quan trọng. Ông Lê Thanh Nhàn - Giám đốc điều hành Siêu thị Hoàng Đức (TP. Long Khánh) chia sẻ, các sản phẩm đường trong nước được bày bán ở siêu thị ngày càng có nhiều cải tiến về chất lượng, mẫu mã với giá cả cạnh tranh hơn. Điều này giúp cho nhiều sản phẩm đường nội có được lợi thế trên các kệ hàng bán lẻ. Hiện các loại đường Việt chiếm thị phần lớn trên các kệ hàng của siêu thị.
Trong thời gian qua, nhiều nhà máy chế biến đường ở các tỉnh, thành đóng cửa, nông dân nhiều nơi đã chặt bỏ cây mía. Điều này khiến cho ngành mía đường nội địa gặp khó khăn, nguồn nguyên liệu mía bị thu hẹp, giá mía bấp bênh…
Ông Trần Văn Ngà - Phó tổng giám đốc CTCP Mía đường La Ngà (H. Định Quán) chia sẻ, công ty tạm đóng cửa nhà máy gần 1 năm nay. Hiện nay, công ty đang xây dựng kế hoạch quy hoạch, đầu tư cải tiến thiết bị, máy móc, quy trình sản xuất, khắc phục, đảm bảo các tiêu chí về môi trường… để có thể khôi phục vùng nguyên liệu, hoạt động sản xuất mía đường trong thời gian tới.
Theo quy định, sau khi khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung cáo buộc cũng như điều tra các hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đồng thời, thực hiện việc thẩm tra, xác minh các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc…