Đứt gãy mối liên kết vàng - USD
Mối liên kết vàng - USD đã bị chặt đứt và những “nhảy múa” của giá vàng không còn ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối, tỷ giá.
Giá vàng thế giới bật tăng mạnh trong mấy ngày gần đây. Trong phiên giao dịch ngày 29/7, giá vàng giao ngay thế giới có thời điểm đã chạm ngưỡng 1.960 USD/oz, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân do các nhà đầu tư lo ngại đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trong khi căng thẳng Mỹ - Trung có xu hướng leo thang sẽ đẩy kinh tế toàn cầu lún sâu hơn vào suy thoái, nên tìm đến vàng để trú ẩn, đẩy kim loại quý này tăng giá mạnh. Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD trong thời gian gần đây càng hỗ trợ thêm cho đà tăng của vàng.
Giá vàng trong nước cũng tăng mạnh theo giá vàng thế giới. Trong phiên ngày 29/7, giá mua bán vàng miếng SJC cũng tăng lên 56,2 - 57,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên thị trường vàng vẫn ổn định, giao dịch mua - bán ở mức bình thường chứ không xuất hiện cảnh tượng người dân đổ xô đi mua vàng như nhiều năm trước. Thậm chí theo phản ánh của lãnh đạo các công ty vàng, không ít người còn tranh thủ bán ra khi giá vàng tăng cao.
Đặc biệt thị trường ngoại tệ, tỷ giá trong nước vẫn được duy trì ổn định. Diễn biến này trái ngược hẳn với những năm trước, khi mà giới đầu cơ thường mua gom ngoại tệ trên thị trường để nhập lậu vàng mỗi khi giá vàng tăng giá, đẩy tỷ giá trong nước tăng theo, qua đó gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của NHNN.
Tất cả những diễn biến trên cho thấy người dân đã quay lưng lại với vàng, mối liên kết vàng - đô vì thế cũng đã bị chặt đứt. Có được kết quả này một phần cũng nhờ Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã lập lại trật tự trên thị trường vàng, đặc biệt là loại vàng ra khỏi hệ thống thanh toán. Bên cạnh đó, việc cấm các ngân hàng huy động và cho vay vàng càng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này. Theo đó, giờ đây người dân muốn gửi vàng vào ngân hàng sẽ phải trả phí để giữ hộ chứ không còn được hưởng lãi như thời gian trước. Điều đó khiến cho việc nắm giữ vàng chẳng những không sinh lời mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá vàng liên tục biến động với cường độ lớn.
Đó chính là lý do không ít người dân đã bán vàng chuyển sang nắm giữ tiền đồng. Hay nói như một chuyên gia ngân hàng “nguồn lực vàng trong dân đã dần được chuyển hóa thành tiền để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội”. Đó chính là mục tiêu mà các nhà quản lý đặt ra đối với thị trường vàng.
Nhìn sang thị trường ngoại hối cũng cơ bản ổn định, bất chấp việc thị trường tài chính toàn cầu liên tục biến động do tác động của đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Theo đó, mặc dù tỷ giá trong nước cũng biến động lên xuống theo sát với diễn biến của đồng USD trên thị trường thế giới, song biên độ nhỏ hơn rất nhiều.
Tính đến ngày 29/7, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng có 61 đồng so với cuối năm 2019, tương đương tăng khoảng 0,26%. Trong khi đó, giá bán ra ngoại tệ của các ngân hàng hiện cũng chỉ tăng khoảng 40 đồng so với cuối năm trước (tương đương tăng 0,17%), phổ biến ở mức 23.270 đồng/USD. So với nhiều đồng tiền trong khu vực, VND được các nhà phân tích quốc tế đánh giá là đồng tiền ổn định.
Có được điều đó một phần cũng nhờ nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế khá dồi dào do cán cân thương mại xuất siêu khá lớn, ước khoảng 6,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm; giải ngân vốn FDI cũng đạt 10,1 tỷ USD, vốn FII đạt 1,6 tỷ USD…
Tuy nhiên không thể không nhắc tới vai trò điều hành của NHNN. Quả vậy với việc tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, có tăng có giảm, theo sát diễn biến đồng USD trên thị trường thế giới đã giảm thiểu tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế. Trong khi hiện lãi suất huy động USD vẫn được neo ở mức 0% khiến cho việc nắm giữ ngoại tệ càng không có lợi so với tiền đồng. Nguồn lực ngoại tệ trong dân vì thế cùng dần được chuyển hóa sang tiền đồng, qua đó giúp NHNN mua thêm được một lượng lớn ngoại tệ để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.
Bởi vậy giới chuyên gia đều có chung nhận định, với nguồn cung ngoại tệ dồi dào; cơ chế điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt; cộng thêm nguồn dự trữ ngoại tệ lớn, NHNN hoàn toàn có thể đảm bảo duy trì tỷ giá ổn định trong những tháng cuối năm. Điều đó càng có thêm cơ sở khi mối liên kết vàng - đô đã bị chặt đứt và những “nhảy múa” của giá vàng không còn ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối, tỷ giá. Theo đó, nhiều dự báo cho thấy tỷ giá sẽ tăng khoảng 1-2% trong năm nay.