ECB và cuộc chiến mới tại Hy Lạp

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Mặc dù mới tung chương trình nới lỏng định lượng (QE) quy mô lớn vào tuần trước, nhưng NHTW châu Âu (ECB) lại đang phải đối mặt với nhiệm vụ quan trọng khác, ứng phó với các vấn đề mới phát sinh sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn của Hy Lạp hôm 25/1.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

"Người chiến thắng" muốn thương lượng lại

Theo kết quả bầu cử sơ bộ tại Hy Lạp, chiến thắng thuộc về đảng cánh tả đối lập Syriza. Ngay sau khi có kết quả này, lãnh đạo đảng Syriza, ông Alexis Tsipras, đã cam kết sẽ chấm dứt 5 năm thực hiện chính sách khắc khổ do các chủ nợ quốc tế áp đặt tại Hy Lạp.

Đảng Syriza, vốn phản đối chính sách khắc khổ, giành được 149 ghế trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội Hy Lạp, với 36,1% số phiếu ủng hộ, dẫn trước đảng bảo thủ Dân chủ mới của Thủ tướng Antonis Samaras khoảng 8 điểm.

Nếu kết quả bầu cử chính thức được xác nhận, Thủ tướng tiếp theo của Hy Lạp sẽ là ông Alexis Tsipras. Các cố vấn kinh tế của ông Tsipras cho biết, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của họ sẽ là phải tái đàm phán về số tiền mà Hy Lạp nợ ECB. Giới phân tích cho rằng, ý tưởng này sẽ tác động không nhỏ đến đời sống chính trị và tài chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng ở Eurozone từ cuối năm 2009 đến nay, Hy Lạp luôn nằm ở “tâm bão”. Từ năm 2010 đến nay, Hy Lạp vẫn “sống” nhờ vào tiền của các chủ nợ quốc tế là IMF, ECB và EU. Ba tổ chức này đã cam kết cho Hy Lạp vay tổng cộng 240 tỷ USD với điều kiện nước này phải thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng rất nghiêm ngặt.

“Nhiệm vụ của đảng Syriza chúng tôi là sẽ tái đàm phán với các chủ nợ quốc tế về gói cứu trợ”, ông Yanis Varoufakis - nghị sỹ thuộc đảng Syriza - nhấn mạnh. Theo nghị sĩ này, không có hy vọng nào về việc Hy Lạp hoàn trả được tất cả các khoản nợ cho các chủ nợ.

Số nợ khổng lồ của Hy Lạp

Hiện, Hy Lạp vẫn chưa thoát khỏi cảnh nợ nần, với việc nợ trên 350 tỷ USD. Hy Lạp không chỉ nợ ECB, mà còn nợ cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính phủ các nước châu Âu khác cũng như giới đầu tư tư nhân.

Đặc biệt, Hy Lạp còn nợ ECB 27 tỷ euro (tương đương 30 tỷ USD), dưới hình thức trái phiếu do định chế này mua trên thị trường mở vào năm 2010 và 2011 - thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu ở mức đỉnh điểm. Dưới thời cựu Chủ tịch Jean Claude Trichet, ECB mua trái phiếu Chính phủ Hy Lạp trong nỗ lực giảm lãi suất cho Hy Lạp để họ có thể tiếp tục vay với mức lãi suất hợp lý từ các thị trường vốn.

Hiện, số lượng lớn trái phiếu này sắp đến ngày đáo hạn. Cụ thể, Hy Lạp phải trả số tiền nợ gốc 3,5 tỷ euro vào tháng 7 và 3 tỷ euro khác vào tháng 8 tới.

Nhóm phụ trách chính sách kinh tế của đảng Syriza muốn ECB nhanh chóng nới lỏng các điều khoản trả nợ cho Hy Lạp. Theo nhận định của giới phân tích, đây rõ ràng là ưu tiên của Syriza và điều này có thể dẫn đến sự đối đầu giữa các thành viên đảng này với ECB.

Giải pháp nào cho Hy Lạp?

Theo chuyên gia kinh tế John Milios thuộc Đại học Kỹ thuật Quốc gia của Athens (NTUA), ECB có thể thực hiện nhiều bước đi, trong đó có việc hoán đổi trái phiếu, có loại vĩnh viễn không phải trả lãi. Ông Milios nói, điều quan trọng là ECB cuối cùng phải được Hy Lạp trả nợ.

Theo ông Milios, Hy Lạp sẽ bắt đầu mua nợ trở lại và hoàn trả nợ, một khi nền kinh tế phát triển đến một mức độ nhất định đủ để tỷ lệ nợ công so với GDP giảm xuống 20%, từ mức cao ngất ngưởng hiện tại là 174%. Tuy nhiên, để làm được điều này sẽ phải mất tới 58 năm.

Chuyên gia kinh tế Varoufakis cũng muốn ECB chấp nhận hình thức trái phiếu không trả lãi vĩnh viễn, nhưng đi kèm với điều kiện GDP Hy Lạp phải được đảm bảo.

ECB đánh giá như thế nào về những ý tưởng này? Đây vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ, khi một phát ngôn viên của ECB từ chối bình luận bất cứ điều gì liên quan đến tình hình tại Hy Lạp cho đến sau khi kết quả chính thức cuộc tổng tuyển cử được thông báo.

Tuy nhiên, vị phát ngôn viên này cho rằng, việc Chính phủ do đảng Syriza đứng đầu không muốn trả nợ cho ECB đúng thời hạn đặt Hy Lạp vào tình thế rất bất lợi trong bối cảnh ECB vừa thông báo một chương trình nới lỏng định lượng quy mô lớn vào tuần trước.

Trước đó, trong cuộc họp báo diễn ra hôm 22/1, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, trái phiếu của chính phủ Hy Lạp sẽ bị loại ra khỏi chương trình mới của ECB cho đến ít nhất tháng 7 tới, bởi vì ECB đã cho Hy Lạp vay nợ nhiều, thậm chí số tiền cho vay còn vượt quá giới hạn quyền sở hữu. Tuy nhiên, ông Draghi khẳng định rằng, nếu Hy Lạp thanh toán số trái phiếu đáo hạn vào tháng 7 tới, thì quốc gia này sẽ đủ điều kiện để tham gia chương trình mới của ECB.

Ông Douglas Rediker, CEO Công ty Chiến lược vốn quốc tế cho rằng, do ECB hiện đang kiểm soát thanh khoản của hệ thống ngân hàng Hy Lạp, đồng thời là người điều hành thông qua cơ chế giám sát chung (SSM), cho nên Hy Lạp sẽ phải đối đầu với ECB trong một cuộc chiến khó khăn. Theo đó, Chính phủ Hy Lạp có thể phải gánh hậu quả tồi tệ.

Nếu ECB ngừng cấp tiền cho hệ thống ngân hàng Hy Lạp, các ngân hàng có thể sụp đổ - điều đó có thể dẫn đến việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro và phải tự in thêm tiền.