ESCAP dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam từ 6,8-6,9%
Ngày 28/4, tại Hà Nội, Ủy ban kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên hợp quốc Công bố Báo cáo điều tra kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016.
Theo Báo cáo điều tra kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016, dự báo trong các năm 2016 và 2017 Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 6,8-6,9%.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu ( EVFTA) sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho kinh tế Việt Nam trong việc tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe hơn về môi trường, lao động, đồng thời cũng có thể sẽ phải nâng chi phí sản xuất trong thời gian ngắn hạn.
Trình bày chuyên đề “Thúc đẩy năng suất ở Việt Nam: Không chỉ là một ưu tiên chính sách”, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh: Cải cách năng suất lao động đã trở thành vấn đề cấp thiết của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Tăng trưởng kinh tế chỉ có thể bền vững khi dựa trên nền tảng năng suất lao động.
Việt Nam cần tiếp tục và kiên trì đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng suất lao động, trong đó chú trọng cải cách dài hạn; nới lỏng điều kiện gia nhập thị trường và quyền sở hữu tài sản cho các doanh nghiệp; đổi mới cách tiếp cận cải cách trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, gắn nâng cao chất lượng đào tạo với nhu cầu sử dụng người lao động của các doanh nghiệp; phát huy hơn nữa vai trò trọng tâm của doanh nghiệp và người lao động, kết hợp thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Đánh giá về triển vọng của các nền kinh tế trong khu vực, Báo cáo điều tra kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 cho rằng: Triển vọng của các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhìn chung ổn định, dự báo tăng trưởng trong các năm 2016 và 2017 sẽ lần lượt là 4,8 và 5%. Báo cáo đưa ra kiến nghị, các nước cần tập trung nâng cao năng suất lao động kết hợp với cải cách tiền lương; cải thiện môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng; kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển nông thôn và thành thị; đẩy mạnh hợp tác khu vực và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ...