Chinh phục thị trường “khó tính”

Theo daibieunhandan.vn

Hoa Kỳ luôn được đánh giá là thị trường đối tác xuất khẩu trọng điểm của nước ta. Năm 2015, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 19 trong số các đối tác thương mại hàng đầu và lần đầu tiên nước ta lọt vào danh sách 20 đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Hoa Kỳ vẫn là các mặt hàng truyền thống như: dệt may, máy móc thiết bị điện tử và linh kiện, giày dép… Tuy được đánh giá là những mặt hàng xuất khẩu chính nhưng những nhóm hàng này đang phải chứng kiến mức tăng trưởng âm trong năm 2015 do phải đối phó với nhiều rào cản thương mại của Hoa Kỳ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận toàn diện, hiểu biết cặn kẽ những quy định về an toàn thực phẩm, dược phẩm khi nhập khẩu cũng như quy trình, thủ tục vào thị trường này. Nguyên chuyên gia kỹ thuật của Cơ quan Quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Phó Chủ tịch Công ty Registrar Corp David Lennarz chỉ rõ, rất nhiều doanh nghiệp đã không thể xuất khẩu hàng vào Hoa Kỳ do thực hiện sai hoặc không đủ những quy định của Hoa Kỳ.

Một trong những sai sót dễ mắc phải nhất đó là việc ghi nhãn không chính xác, các thành phần trên nhãn mác không được phê duyệt hay những câu khuyến cáo về sức khỏe không được cho phép. Việc ghi nhãn được FDA quy định rất cụ thể, chi tiết, nếu doanh nghiệp chỉ sai lỗi nhỏ cũng rất dễ bị lưu giữ hàng, không thể xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nội, nhất là doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thực phẩm, gặp khó khăn khi phải thực hiện yêu cầu tìm kiếm và chỉ định đại diện tại Hoa Kỳ để làm đại diện liên lạc với FDA. Phía Hoa Kỳ còn có những quy định khắt khe về việc thực hành tốt sản xuất hiện hành (cGMPS) trong bảo đảm điều kiện vệ sinh, vệ sinh lao động và thực hành vệ sinh, xây dựng thiết bị, bảo dưỡng và hiệu chỉnh, kiểm soát động vật gây hại, xây dựng cơ sở sản xuất, chất lượng nguồn nước. Các cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu tại Việt Nam còn phải thực hiện yêu cầu về gia hạn lại số đăng ký vào hai năm chẵn và phải khai báo chuyến hàng nhập khẩu có từng bị từ chối nhập cảnh tại cảng của nước khác không.

Ngoài ra, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã và đang vấp phải sự cản trở từ chính sách bảo hộ gắt gao của Hoa Kỳ nhất là về hàng rào kỹ thuật và an toàn thực phẩm cao, không ít trường hợp cao quá mức cần thiết. Thậm chí, các biện pháp chống khủng bố được ban hành cũng tạo thêm những rào cản mới đối với hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ nói chung, trong đó có hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Vì vậy để tăng cường xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, việc nhanh chóng khắc phục những bất cập của chính các doanh nghiệp sản xuất nội địa vừa là yêu cầu trước mắt vừa là vấn đề xuyên suốt trong tiến trình đẩy mạnh xuất khẩu của nước ta. Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh, việc có thể xuất khẩu được hàng hóa sang thị trường này mang lại nhiều ý nghĩa với việc xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam. Bởi, có được những sản phẩm thâm nhập và đứng vững ở thị trường khó tính này, xem như chúng ta đã được cấp giấy thông hành vào các thị trường khác một cách thuận lợi và dễ dàng hơn. Điều này tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ cũng như thế giới.

Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp khi ký hợp đồng với đối tác Hoa Kỳ, nên ký hợp đồng ngắn hạn, có thể tái ký kết và được sửa đổi điều khoản; xác định chọn luật nào, trọng tài nào để xử lý trong trường hợp có tranh chấp. Trước các tình huống dẫn đến kiện tụng, các doanh nghiệp cần bình tĩnh và nên tích cực hợp tác. Để từng bước thâm nhập và có chỗ đứng vững chắc, các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý tìm hiểu kỹ đối tác, luật lệ cũng như tập quán kinh doanh của thị trường này.