EU cần Nga để có một vị thế toàn cầu
Ngày 26/5, phát biểu trước thềm chuyến thăm đầu tiên tới Liên minh châu Âu (EU) trong gần một năm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói EU sẽ không thể có tầm ảnh hưởng toàn cầu nếu thiếu sự giúp đỡ của Nga.
Trong một bài báo đăng trên nhật báo "Kathimerin", ông Putin nhấn mạnh một vị thế chính đáng của “lục địa già” trong các vấn đề thực tiễn của thế giới sẽ chỉ có thể được bảo đảm bằng cách kết hợp năng lực của tất cả quốc gia châu Âu, trong đó có Nga. Ông cũng kêu gọi thành lập một liên minh năng lượng với châu Âu và nới lỏng quy định về cấp thị thực cho công dân Nga tới EU.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 26/5 thông báo G7 chưa có kế hoạch bãi bỏ các biện pháp cấm vận chống Nga liên quan đến cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Tuyên bố trên của Thủ tướng Đức được đưa ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại thành phố Ise-Shima, Nhật Bản. Phát biểu với giới báo chí, bà Merkel cho rằng còn quá sớm để xóa bỏ những biện pháp cấm vận nhằm vào Nga và G7 sẽ không thay đổi lập trường về vấn đề này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết EU đang đối mặt với những tranh luận khó khăn về việc gia hạn trừng phạt Nga, do vấp phải sự phản đối ngày càng lớn của một số quốc gia thành viên. Trả lời phỏng vấn hãng tin BNS, Ngoại trưởng Steinmeier cho rằng phương Tây cần phải đối thoại với Nga nhằm tái thiết lập niềm tin đã mất và để giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Syria và Libya.
Ngoại trưởng Steinmeier, người đang có chuyến công du ở các nước Baltic, nhấn mạnh: "Chúng tôi ý thức được rằng sự phản đối trong EU về việc gia hạn trừng phạt Nga đang gia tăng. Việc tìm kiếm một tiếng nói chung trong vấn đề này đã trở nên khó khăn hơn hồi năm ngoái".
Dù không nêu cụ thể các nước EU phản đối việc tiếp tục trừng phạt, song ông Steinmeier cho biết Italy và Hungary là những nước hoài nghi nhất với các biện pháp trừng phạt, trong khi Ba Lan và các nước Baltic vẫn muốn tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt này.
Ông Steinmeier cho biết Berlin sẽ nỗ lực tìm kiếm một mặt trận thống nhất chung trong EU về vấn đề này, đồng thời nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt sẽ gắn chặt với việc thực thi thỏa thuận hoà bình Minsk về vấn đề Ukraine. Các biện pháp trừng phạt Nga của EU trong các lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng và năng lượng sẽ hết hiệu lực vào tháng Bảy tới và việc gia hạn trừng phạt cần nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước trong liên minh.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng tuyên bố G7 cần có "thái độ rõ ràng và cứng rắn hơn" đối với Nga liên quan tới cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. EU và Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga kể từ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine hồi năm 2014. Nga cũng trả đũa bằng việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với một số mặt hàng của EU và Mỹ.