EU cắt giảm nguồn viện trợ do "thắt lưng buộc bụng"

Theo Vietnamplus

Theo một báo cáo của Tổ chức chống đói nghèo quốc tế (ONE) công bố ngày 25/6, nguồn viện trợ từ Liên minh châu Âu (EU) dành cho các nước nghèo trong năm 2011 đã giảm lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua do cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) buộc 14 nước thành viên EU phải cắt giảm viện trợ tài chính

Báo cáo trên cho biết tổng số tiền viện trợ từ 27 nước thành viên EU trong năm 2011 đã giảm 1,5% xuống còn 50,86 tỷ euro (khoảng 63,76 tỷ USD) và đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2002.

Việc cắt giảm viện trợ này sẽ khiến một số nước châu Phi khó có thể tiếp cận được với nguồn viện trợ từ bên ngoài trong tương lai gần.

Trong số 14 nước thành viên EU nói trên, Hy Lạp và Tây Ban Nha - hai nước vốn đang vật lộn với việc giảm thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng, đã cắt giảm tiền viện trợ.

Trong khi đó, Đức và Italy mặc dù đã tăng các chương trình viện trợ, nhưng cũng giống như toàn Liên minh châu Âu, hai nước này vẫn không thể thực hiện được các cam kết của mình.

ONE tính toán rằng từ nay đến năm 2015, EU sẽ cần phải tăng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thêm 42,9 tỷ euro nữa thì mới hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

ONE ước tính rằng 15 nước là thành viên EU trước năm 2004 cần phải tăng viện trợ cho châu Phi thêm 26,6 tỷ euro trong giai đoạn 2004-2015 để thực hiện đúng cam kết của mình.

Tính đến cuối năm ngoái, tổng số tiền viện trợ tăng thêm mới chỉ đạt 6 tỷ euro, tương đương với 22,5% mục tiêu đề ra.

Áo, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha mới chỉ thực hiện được 25% cam kết viện trợ, trong khi Bỉ, Anh, Luxembourg và Thụy Điển đã giải ngân được từ 50%-70% số tiền viện trợ đã cam kết.

Với việc EU dự định thương lượng lại ngân sách cho giai đoạn 2014-2020, ONE cho rằng EU sẽ cần phải có quyết tâm chính trị cao để có thể tăng cường viện trợ cho nước ngoài ở giai đoạn khó khăn này./.