EU phê chuẩn thuế “Robin Hood”
Các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) ngày 22-1 đã phê chuẩn cho 11 quốc gia trong EU khởi động chính sách đánh thuế giao dịch tài chính (FTT), được xem như một biện pháp buộc giới tài chính phải trả giá vì gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế.
FTT nhằm kiềm chế sự thái quá của thị trường - nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng dây dưa mãi không được EU thông qua, một phần vì Anh lo ngại FTT sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai của thành phố tài chính London.
Lần này, các bộ trưởng tài chính EU bật đèn xanh cho nhóm 11 quốc gia được phép tiên phong thực hiện kế hoạch thuế FTT theo quy chế “hợp tác tăng cường”.
Theo quy chế đó, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận chung của 27 nước thành viên EU, chỉ cần một nhóm tối thiểu 9 quốc gia đồng thuận là có thể cùng nhau tiến hành kế hoạch mà không cần tới sự đồng ý của các thành viên còn lại.
Quy chế này rất hiếm khi được áp dụng, từ trước tới nay mới sử dụng 3 lần, lần đầu tiên là trong luật ly hôn, lần thứ hai trong lĩnh vực bằng sáng chế, và lần thứ ba là FTT. Anh tuy phản đối nhưng đã không đứng ra ngăn cản FTT.
FTT do Pháp và Đức đề xuất, sau đó có thêm sự tham gia của Áo, Bỉ, Estonia, Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha. Vào tháng 10 và 11-2012, Ủy ban châu Âu (EC) và Nghị viện châu Âu cũng lần lượt bày tỏ sự ủng hộ thuế FTT.
Nhóm 11 quốc gia sẽ cần EC đưa ra dự thảo luật ban hành FTT với mức thuế dự kiến tối thiểu 0,1% đối với các giao dịch trong tất cả mọi thể loại công cụ tài chính, ngoại trừ các loại phái sinh được áp thuế 0,01%.
Ủy viên thuế EU Algirdas Semeta phát biểu: “Lần đầu tiên thuế giao dịch tài chính được áp dụng ở cấp khu vực. Thuế mới sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng. Một nhóm đại diện 2/3 tổng GDP của EU sẽ cùng nhau thực thi luật thuế công bằng này, đáp ứng lời kêu gọi từ bấy lâu nay của người dân”.
Thứ trưởng Kinh tế - Xã hội Pháp Benoit Hamon hoan nghênh sự phê chuẩn này là: “Bước quan trọng để bắt đầu kiến thiết thế giới thời hậu Lehman Brothers”.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble phát biểu: “Ngành tài chính phải được kết nối một cách hợp lý với các chi phí của cuộc khủng hoảng tài chính, và đây là một bước đi hướng tới mục tiêu đó”.
Theo tổ chức phi chính phủ Oxfarm, sự kiện này gởi đi một thông điệp rõ ràng rằng các nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẵn sàng buộc ngành tài chính phải thanh toán chi phí dọn dẹp đống hỗn độn đã gây ra. Tuy nhiên, việc sử dụng tiền thuế FTT như thế nào có lẽ sẽ khơi mào cho những cuộc tranh cãi tiếp theo giữa các quốc gia.
Pháp và Áo đã gợi ý dùng một phần tiền thuế FTT để tài trợ cho một quỹ giáo dục của EU, trong khi đó Đức phản đối ý tưởng giao tiền thuế FTT cho EU xử lý, còn Bộ trưởng Tài chính Ireland lên tiếng: “Việc này sẽ liên quan đến nhiều cuộc đàm phán quan trọng giữa các quốc gia thành viên. Chúng tôi sẽ đóng vai trò trung gian”.
Tổ chức Oxfarm ước tính FTT có thể mang lại 37 tỷ EUR mỗi năm, mà nếu 1/2 số tiền này được dùng vào công cuộc phát triển, có thể giúp 550 triệu người nghèo nhất thế giới được chăm sóc sức khỏe miễn phí.