EuroCham: EVFTA là lá phiếu tín nhiệm của EU dành cho Việt Nam

Theo Đông Phong/zingnews.vn

Đại diện hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nói EVFTA là nền tảng để mở ra làn sóng thương mại và đầu tư mới, nhưng có thành công hay không còn phụ thuộc vào nỗ lực của hai bên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hiệp định Tự do Thương mại Châu Âu - Việt Nam (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 1/8, được kỳ vọng mở ra thời kỳ mới trong quan hệ kinh tế giữa hai bên, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang cố gắng vượt qua những tác động từ đại dịch Covid-19.

EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), là hai thỏa thuận thương mại tự do (FTA) có phạm vi cam kết rộng nhất và mức độ cam kết cao nhất mà Việt Nam tham gia từ trước tới nay.

"EVFTA là lá phiếu tín nhiệm của EU dành cho Việt Nam. Việc đây chỉ là FTA thứ hai được ký (giữa EU) với một quốc gia thành viên ASEAN cho thấy EU vô cùng coi trọng Việt Nam, quá trình cải cách tích cực và tầm quan trọng chiến lược của đất nước ở châu Á", ông Jean-Jacques Bouflet, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, nói trong một sự kiện tại TP.HCM hôm 28/7.

Ông Jean-Jacques Bouflet (thứ 3 từ trái sang) trong buổi đối thoại với lãnh đạo TP.HCM hôm 28/7. Ảnh: ĐP.
Ông Jean-Jacques Bouflet (thứ 3 từ trái sang) trong buổi đối thoại với lãnh đạo TP.HCM hôm 28/7. Ảnh: ĐP.
 

Ông Bouflet ca ngợi những tiến bộ của Việt Nam trong việc tinh giản quy định thủ tục, củng cố môi trường kinh doanh và hiện đại hóa khung pháp lý, cho rằng thách thức trước mắt là đảm bảo triển khai EVFTA "suôn sẻ và hiệu quả".

"Các nhà chức trách phía Việt Nam và Liên minh châu Âu đã cung cấp các công cụ pháp lý giúp mở ra một làn sóng thương mại và đầu tư mới. Tuy nhiên, thỏa thuận này đạt được thành công hay không phụ thuộc vào nỗ lực từ phía chúng ta", ông nói.

EuroCham Việt Nam hôm 28/7 đã giới thiệu Sách Trắng lần thứ 12, kết hợp tổ chức đối thoại với lãnh đạo TP.HCM. Cuộc đối thoại tập trung vào việc làm sao hai bên có thể nắm bắt cơ hội khi EVFTA có hiệu lực.

Một khi EVFTA có hiệu lực, 71% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ không phải chịu thuế, và sau 7 năm, gần như toàn bộ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ không còn rào cản thuế quan, theo Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti.

71% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ không phải chịu thuế khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: Việt Linh.
71% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ không phải chịu thuế khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: Việt Linh.
 

Ngoài EVFTA, hai bên cũng đang chờ phía EU hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Châu Âu - Việt Nam (EVIPA).

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp định dự kiến sẽ thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban Châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

Ông Bouflet cho rằng "cải cách hành chính" sẽ là chìa khóa để Việt Nam "mở" được toàn bộ lợi ích của EVFTA và thu thêm nhiều hơn đầu tư trực tiếp (FDI) từ châu Âu. Ông cũng cho rằng việc triển khai EVFTA diễn ra vào thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết và đây là cơ hội lớn cho Việt Nam.

"Việt Nam giờ đã mở cửa kinh tế trở lại, ngay cả khi các nước khác trên thế giới đang chật vật ứng phó với tác động của đại dịch. Điều này sẽ tạo ra động lực lớn hơn nữa cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào một thị trường an toàn, an toàn và tăng trưởng nhanh", đại diện EuroCham nói.