EVFTA được phê chuẩn sẽ khởi đầu cho một chặng đường mới
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, việc Hiệp định EVFTA được bỏ phiếu phê chuẩn sau 7 năm đàm phán sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; đồng thời cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có cuộc trao đổi về vấn đề này.
PV: Ngày 21/1/2020, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện Châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU). Việc này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh căng thẳng thương mại quốc tế đang ngày càng gia tăng, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Sự kiện này được xem là dấu mốc rất quan trọng trong tiến trình phê chuẩn EVFTA và IPA, tạo bối cảnh và điều kiện thuận lợi cho cuộc bỏ phiếu toàn thể tại EP dự kiến diễn ra trong các ngày từ 11-12/2 năm 2020. Với số phiếu ủng hộ cao, thậm chí là còn hơn so với các hiệp định của EU với các nước khác trong khu vực, cuộc bỏ phiếu tại INTA đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ của INTA tới các Nghị sĩ EU về quan điểm ủng hộ thương mại và đầu tư dựa trên các nguyên tắc minh bạch và bình đẳng với tất cả các nước, trong đó có cả các nước đang phát triển nhưng có quyết tâm đổi mới và hội nhập mạnh mẽ như Việt Nam.
EVFTA dự kiến sẽ góp phần đặt những viên gạch hướng đến cải cách các quy định điều tiết thương mại và đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy, nhiều người hy vọng đây là xu hướng mới, góp phần giải tỏa các căng thẳng trong thương mại quốc tế hiện nay.
Sau đây, chúng ta còn phải tiếp tục thực hiện những bước gì để Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA?
Trong tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA, về thủ tục nội bộ của EU, Hiệp định EVFTA cần được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn và sau đó được Hội đồng Châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Còn với Hiệp định EVIPA, Hiệp định này muốn có hiệu lực phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit).
Về phía Việt Nam, chúng ta cần hoàn tất thủ tục nội bộ để phê chuẩn 2 hiệp định này theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2016. Ngoài ra, chúng ta cũng đang phối hợp với EU để thực hiện một số vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trong Kế hoạch hành động thực hiện đã được 2 bên thống nhất như lao động, môi trường...
Bộ Công Thương đã chuẩn bị như thế nào để có tâm thế vững vàng nhất nhằm tận dụng tối đa ưu thế khi EVFTA chính thức được thông qua, thưa Bộ trưởng?
Là một FTA thế hệ mới, Hiệp định được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, cũng như đem đến xung lực mới cho cả nền kinh tế. Là cơ quan đầu mối trong việc thực thi các hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương đã có những bước chuẩn bị nhất định nhằm tận dụng được các ưu thế mà Hiệp định EVFTA mang lại.
Bộ Công Thương đã dự thảo các nội dung chính của Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nhằm phổ biến Hiệp định EVFTA tới đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước ở Trung ương cũng như địa phương, Bộ Công Thương thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ evfta.moit.gov.vn, để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA.
Ngoài ra, công tác nghiên cứu thị trường cũng đang được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có tâm thế sẵn sàng để có thể tận dụng ngay các ưu đãi về thuế quan khi Hiệp định được chính thức đưa vào thực thi. Song song với đó, Bộ cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại thị trường các nước thuộc Liên minh Châu Âu.
Để EU có thể thông qua EVFTA, Việt Nam phải tham gia thêm 3 công ước của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động. Việt Nam đã chuẩn bị những gì cho việc này?
Hiệp định EVFTA chỉ nhắc lại các nghĩa vụ của ILO mà cả các nước EU cũng như Việt Nam đều là thành viên. Hiệp định này không đưa ra các nghĩa vụ mới về nội dung lao động.
Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc đàm phán thì chúng ta đã có những bước chuẩn bị chủ động để các lợi ích của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA sẽ được chia sẻ một cách công bằng nhất cho người lao động, những người tạo ra của cải vật chất trực tiếp nhất cho xã hội.
Cũng nhằm mục đích cải thiện điều kiện của người lao động, tháng 11/2019 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi và sẽ đưa vào thực thi kể từ đầu năm 2021. Các nội dung quan trọng nhất của cả 8 Công ước cơ bản ILO đều đã được phản ánh trong các quy định của bộ luật này. Đây cũng chính là tiền đề thuận lợi để Việt Nam hướng tới việc phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO.
Với việc Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể vào tháng 6 năm 2019, chúng ta đã hoàn thành việc phê chuẩn 6 trên 8 Công ước cơ bản của ILO. Quốc hội cũng đã đưa vào chương trình công tác để sớm phê chuẩn Công ước 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức. Như vậy, Việt Nam được coi là một trong những nước đã tích cực, chủ động thực hiện các quy định của ILO nhất trong khu vực.
Chắc chắn các bước đi mang tính chủ động và tích cực trên của Việt Nam hướng đến một xã hội công bằng, vì người lao động sẽ củng cố uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và do vậy cũng tạo thuận lợi cho việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!