Cơ hội và thách thức với nông sản Việt Nam từ EVFTA
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) mang đến không ít cơ hội đan xen cả thách thức cho nông sản Việt trong hành trình chinh phục thị trường EU đầy tiềm năng. Để thực hiện các cam kết của Hiệp định này, Nhà nước cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cần có những bước đi, chính sách hợp lý.
Cơ hội tiếp cận thị trường lớn
EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với tỷ trọng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang EU chiếm khoảng 18,3% và nhập khẩu từ EU là 7,2%. Riêng mặt hàng nông sản chiếm đến 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018. Việc ký kết EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho cả hai phía, trong đó là các cơ hội dành cho các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Một là, cơ hội mở rộng thị trường, thâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
Thông qua EVFTA, nông sản có cơ hội tiến sâu hơn vào thị trường EU với khoảng 500 triệu dân; các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận, tiến hành trao đổi mua bán với những thị trường khác có thỏa thuận thương mại tự do với EU.
Hai là, cơ hội tiếp cận được nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại.
Ngày càng có nhiều công ty của EU chọn Việt Nam làm điểm đến để đầu tư. Chi phí lao động ở châu Âu là khá cao, khác nhiều so với chi phí lao động của Việt Nam. Chính điều này khiến cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu là không cao. Ngược lại, cơ cấu chi phí của các doanh nghiệp Việt Nam lại khá hấp dẫn, các lợi thế của Việt Nam khá đa dạng, chất lượng lao động tốt hơn cũng như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn so với những nước khác trong khu vực.
Hợp tác giữa châu Âu và Việt Nam cũng mang lại nhiều lợi ích, giúp các công ty Việt Nam tiếp cận tri thức, công nghệ của châu Âu đồng thời đem lại cho các công ty châu Âu một cơ sở sản xuất đáng tin cậy, hiệu quả về mặt chi phí tại châu Á.
Ba là, cơ hội tự hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các quy định của EU.
Việc EVFTA được ký kết sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động trao đổi thương mại để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn mà thị trường này đòi hỏi. Những cam kết trong các lĩnh vực như phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBTs), các biện pháp kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPSS)... đã có những tác động nhất định tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua, được cho là sẽ có những tác động tích cực hơn, đem lại những lợi ích đáng kể cho xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Nhiều thách thức đặt ra
Cơ hội rõ ràng là rất lớn, song Việt Nam cũng gặp không ít thách thức khi xuất khẩu nông sản sang thị trường EU.
Một là, về sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm ngoại nhập đặc biệt là những sản phẩm có xuất xứ từ châu Âu đang ngày một gia tăng trong thời gian gần đây. Khi rào cản thuế quan được gỡ bỏ, hàng châu Âu sẽ dễ dàng thâm nhập nhập thị trường Việt Nam, lúc này các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp sức ép lớn từ phía các doanh nghiệp châu Âu.
Hai là, về nắm bắt thông tin của doanh nghiệp liên quan EVFTA
Thực tế hiện nay, sự hiểu biết của DN Việt Nam về EVFTA còn hạn chế. Hiện có tới 77% DN không biết, hoặc lần đầu nghe nói tới Hiệp định này, trong đó, các DN xuất khẩu nông sản không phải là ngoại lệ. Nhiều doanh nghiệp thực tế chưa tận dụng đầy đủ được các lợi ích thuế quan do không biết các FTA, thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ còn phức tạp, đặc biệt là phần lớn các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ.
Ba là, về đáp ứng đòi hỏi khắt khe liên quan quy tắc xuất xứ.
Hiệp định EVFTA hướng tới xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99% số dòng thuế. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thoả mãn quy tắc xuất xứ. Đây có thể là một cản trở đối với hàng xuất khẩu Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.
Bốn là, về việc tuân thủ những quy định liên quan vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ.
Bên cạnh quy tắc xuất xứ, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS), quy định về môi trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT)... cũng sẽ tạo ra những khó khăn, cản trở nhất định tới hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Những quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, quy tắc xuất xứ và các yêu cầu chứng nhận chất lượng tự nguyện, về trách nhiệm môi trường của rất nhiều tổ chức tại châu Âu cũng là những khó khăn lớn cho ngành thủy sản Việt Nam hiện nay.
Để tận dụng cơ hội
Để tận dụng cơ hội, ứng phó với những thách thức mà EVFTA mang lại, các giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới như sau:
Từ phía Nhà nước, cần phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo thoả mãn yêu cầu về xuất xứ; Hoàn thiện thể chế và nâng cao nhận thức cộng đồng về lao động, môi trường; Phát triển năng lực công nghệ và quản lý chất lượng tương đến xây dựng nông nghiệp hữu cơ.
Về phía doanh nghiệp nông sản, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.