EVFTA "mở cánh cửa lớn" cho mặt hàng nông sản Việt Nam sang châu Âu


Lô hàng trái cây đầu tiên đã được xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đó là lô hàng gồm một container dừa tươi bằng đường tàu biển và 3 tấn thanh long, 12 tấn bưởi bằng đường hàng không sang thị trường EU. Công ty Vina T&T Group – chủ lô hàng đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn Global GAP, các nhà máy chế biến, đóng gói trái cây áp dụng tiêu chuẩn như ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP), phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường EU. Sau lô hàng này, sắp tới, trung bình mỗi tuần công ty sẽ xuất khoảng 20 tấn trái cây các loại sang thị trường EU.

Trước đó, ngày 16/9, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu 14 container với số lượng 296 tấn cà phê sang Cảng đến Hamburg, Antwerp của Bỉ và Đức. Đây là lô cà phê đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA.

Rau, quả tươi Việt Nam cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8 vừa qua. Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam. Với nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ.

Như vậy, ngành nông nghiệp đã liên tiếp đón nhận tin vui sau gạo và tôm, lần lượt cà phê, chanh leo, trái cây được sang châu Âu với thuế suất ưu đãi chưa từng có. Có thể thấy sau một tháng EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nhiều loại nông sản sang EU đã tăng đột biến, đặt nền tảng cho những bước tiến trong tương lai.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 8 đầu năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 336,92 tỷ USD; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 161,9 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019. Cán cân thương mại cả nước đã xuất siêu gần 13,5 tỷ USD sau 8 tháng, gấp gần 2,5 lần so với số thặng dư cùng kỳ năm 2019 (5,47 tỷ USD).

Đáng chú ý, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt mức cao nhất tính theo tháng trong năm 2020. Mức tăng chủ yếu đến từ đà tăng trưởng cao của một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ...

Trong đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước.

Sau 1 tháng triển khai Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu gạo hưởng lợi khá lớn bởi thuế suất mặt hàng này về 0%. Nhờ đó, giá xuất khẩu gạo đã tăng từ 80 - 200 USD/tấn so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.

Ước tính, trong tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU đạt 350 USD, tăng 17% so với tháng trước đó.

Bên cạnh mặt hàng nông sản Việt nam, nhiều mặt hàng khác như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… cũng đang kỳ vọng lớn vào việc gia tăng xuất khẩu sang EU khi EVFTA có hiệu lực, trong bối cảnh xuất khẩu nói chung đang gặp nhiều khó khăn.

Từ nay đến cuối năm, để duy trì những kết quả đạt được, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định.