Facebook Việt Nam phủ nhận tin bán thông tin người dùng cho bên thứ 3
Trong thông tin phản hồi báo chí ngày 26/3, đại diện Facebook Việt Nam khẳng định "một số báo cáo gần đây cho rằng mạng xã hội này đã lưu trữ lịch sử cuộc gọi và tin nhắn SMS (văn bản) của người dùng mà không có sự cho phép của họ là không chính xác".
Phía đại diện Facebook Việt Nam cũng cho rằng, Facebook đã giới thiệu tính năng này cho người dùng Android từ nhiều năm trước. Tải lên số liên lạc là việc khá phổ biến khi dùng các ứng dụng và dịch vụ mạng xã hội. Đây là một cách để dễ dàng tìm thấy những người mà người dùng muốn kết nối.
Tính năng đã được giới thiệu lần đầu tiên trên Messenger vào năm 2015 và sau đó được cung cấp dưới dạng tùy chọn trong Facebook Lite, một phiên bản nhẹ của Facebook dành cho nền tảng Android.
Theo đó, khi người dùng đăng ký Messenger hoặc Facebook Lite trên Android hoặc đăng nhập vào Messenger trên thiết bị Android, họ sẽ được cung cấp tùy chọn để liên tục tải lên các số liên lạc cũng như lịch sử cuộc gọi và tin nhắn. Đối với Messenger, người dùng có thể bật tính năng này, chọn "tìm hiểu thêm" hoặc "không phải bây giờ".
Trên Facebook Lite, các tùy chọn lần lượt là "bật lên" hoặc "bỏ qua". Nếu người dùng chọn bật tính năng này lên, Facebook sẽ bắt đầu lưu trữ liên tục thông tin này và họ có thể tải chúng xuống bất kỳ lúc nào bằng cách sử dụng công cụ Download Your Information.
Facebook cho rằng, bất kỳ lúc nào người dùng không muốn tiếp tục tải lên những thông tin này nữa cũng có thể tắt tính năng đó dễ dàng trong phần cài đặt của mình. Người dùng cũng có thể tắt lưu trữ nhật ký cuộc gọi và tin nhắn trong khi vẫn tải lên số liên lạc. Ngoài ra có thể vào trang này để theo dõi danh sách liên hệ mà họ đã tải lên từ Messenger và có thể xóa tất cả thông tin liên lạc đó ngay trên ứng dụng đang sử dụng.
"Facebook không bao giờ bán dữ liệu và tính năng này không thu thập nội dung tin nhắn văn bản hoặc cuộc gọi của người dùng. Thông tin của người dùng được lưu trữ an toàn và Facebook không bán thông tin này cho các bên thứ ba", văn bản trả lời báo chí của đại diện Facebook Việt Nam, khẳng định.
Trước đó hai tờ báo nổi tiếng tại Anh và Mỹ là New York Times và Guardian đã đồng loạt đưa tin kèm theo những bằng chứng về việc Facebook đã cho phép một công ty nghiên cứu tên là Cambridge Analytica lấy đi thông tin của 50 triệu tài khoản người dùng.
Cụ thể, Cambridge Analytica đã mua lại dữ liệu người dùng từ một giảng viên đại học Cambrigde - Aleksandr Kogan. Kogan đã thực hiện thu thập thông tin người dùng qua một ứng dụng khảo sát được thực hiện với mục đích nghiên cứu học thuật - thisisyourdigitallife. Ứng dụng yêu cầu người dùng cấp quyền truy cập hồ sơ cá nhân, vị trí của họ…
Đồng thời Cambridge Analytica được cho là đã sử dụng dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook để phục vụ cho công tác tư vấn cho chiến dịch tranh cử Tổng thống 2016 của ông Donald Trump.
Sự vụ trên đã tạo ra một làn sóng phản đối và kêu gọi tảy chay Facebook tại nhiều nước trên thế giới trong những ngày qua. Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg của Facebook đã lên tiếng xin lỗi về bê bối làm lộ dữ liệu người dùng, đồng thời tuyên bố sẵn sàng ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ việc này.