FDI 2016 – Tiếp nối chặng đường thành công
Năm 2016 là năm khởi đầu của Chính phủ “Kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp”. Bằng nhiều hành động, Chính phủ cùng các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Ghi nhận cho những nỗ lực này là những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục thành công… Đây sẽ là tiền đề quan trọng mở ra triển vọng mới trong năm 2017.
Những chuyển biến tích cực
Mặc dù nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong những tháng cuối năm bị sụt giảm, do thực hiện theo định hướng của Chính phủ không thu hút FDI bằng mọi giá, nhưng khép lại năm 2016, vốn FDI đổ vào nước ta vẫn tăng trưởng khá. Trong đó, điểm sáng lớn nhất là kết quả giải ngân không chỉ tăng mạnh so với năm 2015 mà còn vượt mục tiêu đặt ra của năm 2016.
Cụ thể: FDI giải ngân trong năm 2016 đã đạt con số 15,8 tỷ USD tăng 9% so cùng kỳ năm 2015. So sánh các kết quả này với các năm trước cho thấy, giải ngân vốn FDI năm 2016 đã đạt được mức cao nhất từ trước đến nay.
Quá trình thu hút vốn FDI cả năm 2016 cho thấy, ít dự án đầu tư có quy mô lớn được cấp phép so với các năm trước. Nhiều dự án có quy mô lớn trong năm 2016 đã được lựa chọn một cách khoa học, chặt chẽ hơn theo đúng tinh thần của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra, không thu hút FDI bằng mọi giá.
Điển hình như, Dự án phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã được Quốc hội đồng thuận, nhất trí cao không tiếp tục nghiên cứu, thực hiện; cùng với đó là nhiều dự án nhiệt điện, thép… đã được sàng lọc, loại bỏ không cấp phép.
Trong năm 2016, chỉ có một dự án quy mô “tỷ đô” là dự án LG DISPLAY với số vốn đăng ký 1,5 tỷ USD được UBND TP. Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tiếp đến là một số dự án khác có quy mô vài trăm triệu USD đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp như: Dự án nhà máy LG Innotek, tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD tại Hải Phòng; Dự án đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng như:
Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 315 triệu USD do công ty TNHH tập đoàn quốc tế CDC (Cayman Island) đầu tư tại Quảng Ninh; Một số dự án khác đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản như: Dự án thành phố Amata Long Thành, Đồng Nai có tổng vốn đầu tư đăng ký trên 309 triệu USD của nhà đầu tư Thái Lan...
FDI năm 2016 vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực được thu hút, cấp phép nhiều nhất trong năm, với trên 900 dự án được cấp mới và gần 800 dự án được điều chỉnh tăng vốn, mở rộng sản xuất, chiếm trên 70% tổng vốn FDI đăng ký trong năm. Lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, tiếp đến là lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ…
Trong năm qua, FDI cũng đã có các xu hướng đầu tư mới đáng khích lệ như tiếp nhận sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp Việt Nam trong dây truyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu (Công ty 4P tư nhân trong nước có nhà máy sản xuất bản mạch điện tử trong dây chuyền sản xuất của LG Display Hải phòng); Triển khai hoạt động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm (Trung tâm R&D về điện, điện tử, viễn thông công nghệ cao tại Hà Nội của Samsung); Đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng sạch (Nhà máy Điện gió tại Trà Vinh)…
Hoạt động xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn FDI cũng là một điểm sáng trong bức tranh FDI năm 2016, khi xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu thô) trong năm đã đạt mức 123,5 tỷ USD, tăng 11,8% so cùng kỳ 2015.
Trong số các đối tác nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục là những nước dẫn đầu, tiếp đến là Singapore. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư từ các nền kinh tế như: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông vào Việt Nam cũng có sự tăng trưởng mạnh so với các năm trước. Cụ thể, Trung Quốc từ vị trí đầu tư thứ 10 (trong 2015) đã tiến lên vị trí thứ 4 (năm 2016).
Trong danh sách các đối tác đầu tư lớn tại Việt Nam, Hàn Quốc luôn là nước dẫn đầu. Năm 2016, nguồn vốn từ Hàn Quốc tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định xu hướng làm ăn lâu dài của các nhà đầu tư tại Việt Nam thể hiện qua các dự án lớn có quy mô “tỷ đô” (Điển hình như Tập đoàn SAMSUNG các năm trước, LG trong 2016), tham gia vào nhiều ngành nghề và tuyển dụng nguồn lực lao động để đào tạo.
Trong 2016, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện nhờ những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi. Các bộ, ngành liên quan đã rà soát điều kiện đầu tư, kinh doanh trái thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư, xây dựng và đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiêp.
Bên cạnh đó, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật số 03/2016/QH14 ngày 22/11/2016 về việc sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư… Các giải pháp, chính sách trên đã tạo được niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư, tác động tích cực thúc đẩy đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển.
Hiệu ứng lan tỏa và tính liên kết chưa cao
Bên cạnh những thành tích trên, không thể không đề cập đến một số hiện tượng mới và những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực thu hút FDI vào Việt Nam vẫn chưa khắc phục được. Đáng lưu ý là các dự án cấp mới có quy mô vốn nhỏ, thậm chí dưới 1 triệu USD tái xuất hiện như giai đoạn đầu mới mở cửa thu hút FDI (gần 30 năm trước). Hiện tượng này đòi hỏi phải có các nghiên cứu đánh giá tác động trong giai đoạn tới.
Vấn đề môi trường không phải là hiện tượng mới, nhưng qua sự việc FORMOSA, cần coi đây là bài học đắt giá để có giải pháp toàn diện khắc phục vì vẫn còn nhiều dự án có công nghệ thấp, tiêu thụ năng lượng lớn, tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, trong khi việc kiểm soát môi trường còn nhiều kẽ hở, công tác quản lý nhà nước về FDI còn nhiều bất cập.
Ngoài ra, vẫn còn các tồn tại hạn chế không mới nhưng chưa thể khắc phục được ngay như: FDI tuy vẫn tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nhưng chủ yếu là lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp; Công nghiệp phụ trợ còn yếu; Hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết giữa FDI với khu vực trong nước chưa cao; Mục tiêu thu hút công nghệ nguồn, công nghệ cao mới ở mức thấp; Công tác xúc tiến đầu tư chưa đạt mức hoàn hảo, hiệu quả còn thấp; T
ỷ lệ hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài quá cao, chiếm tới 80% tổng số doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam, trong đó tỷ lệ các dự án có yếu tố người Hoa với công nghệ thấp, tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, đã có các vi phạm nghiêm trọng cũng rất cao; Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cũng chưa cao; tình hình đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn về chỗ ở, vệ sinh an toàn thực phẩm, giờ công và tiền lương; Hệ thống luật pháp chính sách về đầu tư - kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục cần hoàn thiện đồng bộ…
Triển vọng năm 2017
Nhìn lại tổng thể bức tranh FDI năm 2016, các mặt tích cực vẫn là chủ yếu, điều này là cơ sở, nền tảng để kỳ vọng nguồn vốn FDI năm 2017 vào Việt Nam tiếp tục lạc quan.
Dòng vốn FDI toàn cầu vẫn có hướng chuyển dịch sang các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt vào khu vực châu Á và Đông Nam Á đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là điểm đến được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất với các lợi thế hiện có như: chính trị - xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng, chi phí lao động còn thấp, hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới…
Bên cạnh đó, các thách thức đối với thu hút FDI trong năm 2017 cũng vẫn hiển diện. Cạnh tranh trong thu hút FDI diễn ra ngày càng gay gắt giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao, về năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn yếu... vẫn là các rào cản đối với thu hút FDI. Lợi ích về thu hút FDI thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết tham gia cũng chưa thật rõ. Thu hút FDI thông qua tác động của các FTA chưa có gì nổi bật trong năm 2016, cần có thêm thời gian để đánh giá tác động tích cực về đầu tư từ các FTA mới.
Đánh giá về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, có thể thấy, Hiệp định này có hay không cũng không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn FDI hiện nay đang chảy vào Việt Nam, do FDI của Mỹ tại Việt Nam đến nay chiếm tỷ trọng còn nhỏ (đầu tư của Mỹ tại Việt Nam 11 tháng 2016 đứng ở vị trí 15, với tổng vốn FDI đăng ký đầu tư 238 triệu USD).
Nhật Bản – một thành viên tham gia đàm phán TPP từ nhiều năm nay vẫn đang là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Những năm qua, khi chưa có TPP, Việt Nam đã và đang thu hút FDI thành công, số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam hàng năm đều cao hơn khả năng hấp thụ của nền kinh tế cho thấy rõ điều đó. Do đó, Việt Nam với các lợi thế cạnh tranh của riêng của mình vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều các đối tác khác.
Thu hút và sử dụng FDI để phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới là đòi hỏi bắt buộc. Các kết quả và bài học về quản lý FDI năm 2016 là cơ sở để Việt Nam đánh giá lại toàn diện các vấn đề về ảnh hưởng của FDI đối với đất nước, không đơn thuần chỉ từ góc độ cần bổ sung một nguồn vốn ngoại cho đầu tư và phát triển mà cả những vấn đề về môi trường, về dân sinh cũng cần được tính đến.
Thực tế, quản lý FDI thời gian qua cho thấy, việc tiến hành tổng rà soát tình hình các dự án đã được cấp phép, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI trên từng địa bàn, trong từng ngành, lĩnh vực cần được coi là nhiệm vụ chính của công tác quản lý nhà nước về FDI trong năm 2017.
Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách thu hút, quản lý FDI. Việc kiên định giữ nguyên tắc không thu hút FDI bằng mọi giá, chọn lựa đúng nhà đầu tư, đúng dự án đầu tư phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước cũng là một đòi hỏi bắt buộc đối với công tác quản lý nhà nước về FDI trong 2017 và các năm tiếp theo.
Với cách tiếp cận trên và cam kết của Thủ Tướng Chính phủ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016, được tổ chức tại Hà nội ngày 5/12/2016 là “…Tiếp tục cải cách thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn FDI đã được cấp phép, đang hoạt động tại Việt Nam) phát triển mạnh mẽ”, dự báo dòng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 24,5 tỷ USD, tăng khoảng 20% so 2016; Vốn FDI thực hiện tăng khoản 10 – 15% so 2016, đạt con số trên 16 tỷ USD.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Đầu tư nước ngoài: Báo cáo tình hình thu hút FDI năm 2016;
2. Báo cáo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016;
3. Một số website: gso.gov.vn; dautunuocngoai.gov.vn;
chinhphu.vn; mof.gov.vn; tapchitaichinh.vn.