FDI: Sức hấp dẫn tăng lên cùng tốc độ cải cách và hội nhập
Sau hàng loạt nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cùng với việc tăng cường hội nhập và thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế, Việt Nam đang là một điểm sáng đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương được ký kết và thực thi, nhiều khả năng dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Điểm sáng về đầu tư
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng, sự hấp dẫn của Việt Nam đến từ chính tốc độ hội nhập kinh tế quốc tế và cả tiềm năng của thị trường trong nước. Cùng với hàng loạt cải cách về môi trường đầu tư - kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung, trong đó có cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã có cải thiện đáng kể.
Theo Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2015 - 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố mới đây, Việt Nam được ghi nhận có sự tiến bộ đáng kể so với xếp hạng 2014 - 2015 với bước nhảy vọt 12 bậc, từ vị trí 68 lên 56, đứng ngay sau Ấn Độ. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 sau Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 18), Thái Lan (thứ 32), Indonesia (thứ 37), Philippines (thứ 47) và có vị trí cao hơn so với một số nước như Lào (thứ 83), Campuchia (thứ 90), hay Myanmar (thứ 131).
Với quá trình hội nhập kinh tế nhanh, Việt Nam đang có những lợi thế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. 9 tháng đầu năm 2015, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có chuyển biến tích cực, thể hiện ở số vốn FDI cam kết và giải ngân đều tăng so với cùng kỳ 2014. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký mới và bổ sung thêm là 17,15 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 20/9/2015, cả nước có 1.432 dự án đăng ký mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 11,03 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân của các dự án FDI trong 9 tháng đầu năm 2015 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 9,65 tỷ USD. Như vậy, trung bình mỗi tháng, khu vực này giải ngân hơn 1 tỷ USD.
Hiện có 11 FTA đã ký và 3 FTA đang đàm phán, được kỳ vọng là chất xúc tác cho tăng trưởng đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, việc tham gia TPP sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, dự đoán sẽ tăng khoảng 13 tỷ USD do Việt Nam có lợi thế xuất khẩu khi giá nhân công rẻ, chi phí đầu vào trung bình rẻ hơn so với nhiều nước khác, nguyên liệu nhiều ngành như nông sản, thủy sản có tại chỗ…
Theo TS. Võ Trí Thành, gần như tất cả các đối tác chủ chốt của Việt Nam đều tham gia các FTA như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam trở thành top 10 thế giới trong khu vực châu Á về tiếp nhận vốn FDI và đứng thứ 6 về tốc độ giải ngân. Dòng tiền từ Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ là nguồn vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam khi TPP được thông qua.
GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng kỳ vọng sẽ có một cú hích lớn trong thu hút vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam. TPP sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam và Mỹ không chỉ về thương mại mà cả thu hút vốn đầu tư. Khi TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu hàng Việt Nam vào Mỹ về 0%, các doanh nghiệp Mỹ sẽ rất có lợi nếu đầu tư vào Việt Nam sản xuất rồi tái xuất sang Mỹ.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP sẽ phát triển mạnh trong tương lai, từ đó kéo theo dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trong nội khối TPP, đầu tư được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh từ hai đối tác là Nhật Bản và Mỹ vì có nhiều lợi thế về công nghệ và kỹ thuật mà Việt Nam mong muốn thu hút. Hiện nay, vốn FDI đăng ký của các nước thành viên TPP vào Việt Nam đạt khoảng 100 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng số vốn FDI tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư ngoài khối TPP sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi ưu đãi thuế quan.
Đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp, theo các doanh nghiêp, các chính sách mới đây của Chính phủ thông qua các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, có hiệu lực kể từ đầu tháng 7/2015, nới “room” trên thị trường chứng khoán… sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam. TPP sẽ giúp thị trường thu hút thêm những luồng tiền mới.
Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đã được gia tăng nhờ sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do song, đa phương đã, đang và sẽ được ký kết cũng như sắp có hiệu lực; cùng với những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư.
Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, có một sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước trong khối ASEAN để tận dụng cơ hội từ các FTA sắp tới. Khoảng 44% đơn vị tham gia nghiên cứu chọn Việt Nam vì có một thị trường nội địa rất lớn, 29% nêu lý do là chi phí hoạt động thấp và 18% là nhân công dồi dào.
Thách thức không nhỏ
Với hàng loạt FTA được ký kết và thực thi, Việt Nam đang ngày càng tiến sâu hơn vào sân chơi toàn cầu. Các nhà đầu tư cũng cho rằng, thách thức lớn nhất để duy trì sự hấp dẫn đầu tư nằm ở môi trường đầu tư - kinh doanh.
Ông Steve Plunkett, Giám đốc cấp cao phụ trách quan hệ chính phủ của Tập đoàn General Electric tại ASEAN, đánh giá Việt Nam là một điểm đầu tư lý tưởng, với lực lượng lao động lớn, vị trí thuận tiện. Song, rủi ro đầu tư ở Việt Nam sẽ đến từ việc các văn bản pháp lý chưa chặt chẽ.
Nếu điều này không được cải thiện, nguy cơ Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn so với các đối thủ trong khu vực trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư. Ngay cả Lào, Campuchia hay Myanmar cũng sẽ trở thành đối thủ của Việt Nam, chứ không chỉ có những đối thủ nặng ký Singapore, Malaysia hay Thái Lan.
Không chỉ vậy, sự cạnh tranh khốc liệt hơn có thể sẽ diễn ra giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP trong thu hút đầu tư bởi các quốc gia này là những nền kinh tế phát triển, có dịch vụ, chính sách liên quan đến đầu tư quốc tế rõ ràng.
Theo nghiên cứu của VEPR, TPP một mặt đem vốn FDI vào Việt Nam và giúp công nghiệp hỗ trợ phát triển, nhưng nó cũng trở thành đối thủ lớn nhất khiến các công ty nội địa sẽ khó có thể tồn tại nếu không có quy mô lớn và công nghệ hiện đại.
Ông Phan Hữu Thắng cảnh báo về nguy cơ dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể mang theo nhiều dự án có hàm lượng kỹ thuật - công nghệ thấp, dễ gây ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực khác nhau như dệt nhuộm, may mặc, da giầy… từ các nước mà Việt Nam đang nhập siêu.
Mấu chốt là môi trường pháp lý ổn định
Để tranh thủ được cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư; tích cực, chủ động thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (trong đó tập trung cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…); các bộ, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương cần nâng cao năng lực quản lý đầu tư, đặc biệt chú ý sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư có chất lượng, hiệu quả mang lại giá trị gia tăng cao và có sức lan tỏa mạnh trong nền kinh tế cũng như góp phần giúp doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cộng đồng doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh theo hướng bền vững, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động đón nhận cơ hội cũng như ứng phó nhanh nhạy với những thách thức từ hội nhập.
Trong dài hạn, cải cách môi trường thể chế, hướng tới hài hòa các thông lệ quốc tế là điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư nói riêng, phát triển kinh tế nói chung trong bối cảnh toàn cầu hóa. Môi trường pháp lý ổn định sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng và đầu tư.
Bên cạnh việc duy trì sự ổn định về pháp lý, cần có những quy định và hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn cho các nhà đầu tư, để họ nắm rõ chính sách, pháp luật, từ đó có chiến lược sản xuất - kinh doanh dài hạn.