FECON và nước cờ “đối tác chiến lược”
(Taichinh) - Tận dụng lợi thế là doanh nghiệp chuyên thi công nền móng và công trình ngầm, Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON đã nhanh thâu tóm cổ phần tại một số “ông lớn” ngành giao thông để trở thành cổ đông chiến lược nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành công ty hàng đầu về hạ tầng tại Việt Nam vào năm 2020.
Tham vọng “hàng đầu tại Việt Nam”
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 diễn ra cuối tuần trước, FECON đã công bố chỉ tiêu kinh doanh năm 2015 là doanh thu hợp nhất đạt 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 168 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 24,4% so với năm 2014. Đặc biệt, doanh nghiệp chuyên thi công nền móng và công trình ngầm này sẽ tập trung mạnh vào các công trình công nghiệp hiện tại như Nhiệt điện Thái bình 1, Nhiệt điện Long Phú 1, Samsung Thái Nguyên, Samsung TP.HCM và một số dự án bất động sản kết hợp cùng Công ty cổ phần Xây dựng Cotec (Coteccons)…
Với những công bố trên, có thể thấy, FECON đang tiếp tục thực hiện mục tiêu trở thành nhóm công ty hàng đầu về hạ tầng tại Việt Nam vào năm 2020 được đưa ra từ năm 2014, nhân sự kiện đánh dấu chặng đường 10 năm hình thành và phát triển.
Trên thực tế, tham vọng của FECON được đánh giá là có cơ sở khi năm 2014 được xem là năm khởi đầu chu kỳ tăng trưởng mới đối với ngành xây dựng. Theo báo cáo của BMI, giá trị xây dựng toàn ngành năm 2014 đạt 211.200 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2013. Ba nguyên nhân chính giải thích sự tăng trưởng của ngành xây dựng là: sự tập trung đầu tư hạ tầng của Chính phủ, bất động sản phục hồi và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng ở mức tích cực.
Bước sang năm 2015, mục tiêu của FECON đã được chắp thêm cánh khi Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trong báo cáo đưa ra đầu tháng 4/2015, đã đánh giá, thời gian tới, nhu cầu đầu tư hạ tầng đường bộ là rất lớn, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh hợp tác xây dựng các tuyến đường cao tốc song song với việc mở rộng đường quốc lộ.
Cùng với đó, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đã chính thức được ban hành và có hiệu lực từ ngày 10/4 vừa qua. Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn đến các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực hạ tầng, nhờ quy định về các điều khoản hợp tác, cơ chế thực hiện dự án rõ ràng, thông thoáng, nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và cung cấp dịch vụ công.
Nước cờ “đối tác chiến lược”
Ngay từ năm 2014, Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo các doanh nghiệp là các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án cổ phần hóa theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia làm cổ đông chiến lược. Điều này đã mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân có năng lực thực sự như FECON hào hứng với cuộc chơi cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước.
Không bỏ lỡ cơ hội này, FECON đã nhanh chân tìm các đối tác ngoại và thâu tóm cổ phần tại một số “ông lớn” giao thông để trở thành cổ đông chiến lược. Cụ thể, FECON đã hiện thực hóa tham vọng trở thành công ty hàng đầu về hạ tầng tại Việt Nam vào năm 2020 của mình qua việc mua 10% cổ phần tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) và 25,76% cổ phần tại Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI). Thời điểm đó, tại Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Cienco 1 và TEDI, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FECON đã trở thành Ủy viên HĐQT của cả 2 công ty này.
Cũng trong năm 2014, FECON nâng tỷ lệ nắm giữ chiến lược tại các công ty khác là Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng FCC (hợp tác cùng Cienco 1 và Coteccons thực hiện Dự án BOT đường tránh Phủ Lý) lên 40%, Công ty cổ phần Khoáng sản FECON lên 36%.
Trong lĩnh vực xây dựng công trình ngầm, FECON góp vốn thành lập Công ty cổ phần Công trình ngầm FECON (FECON UCC) liên doanh với Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Sông Đà và Công ty Toyo Industry Nhật Bản, với tổng vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó FECON nắm giữ 51%. Hiện nay, công ty liên doanh này đang thực hiện thi công jet grouting tường vây, hạng mục thi công tường vây và cọc Kingpost phần ngầm của Dự án Metro tuyến 1 TP.HCM đoạn Bến Thành - Suối Tiên .
Ngoài ra, FECON liên doanh với Kanamoto (Nhật Bản) thành lập Công ty cổ phần Cho thuê thiết bị xây dựng Kanamoto FECON Hassyu. Tháng 5 tới đây, công ty này chính thức được cấp phép hoạt động và kinh doanh trong lĩnh vực cho thuê, sửa chữa, bảo trì máy xây dựng.
Quả ngọt đến từ những đối tác
Với những chiến lược và hướng đi rõ ràng, năm 2014, FECON đã tăng vốn điều lệ lên 457 tỷ đồng, nhằm đầu tư vào các công ty nói trên, với mục tiêu tạo ra năng lực thực sự cho FECON. Để nắm giữ 25% cổ phần tại TEDI, FECON đã phải đấu giá với giá khá cao, nhưng nếu nhìn nhận về tiềm năng của TEDI thì công ty này hiện chiếm 50% thị phần thiết kế các công trình giao thông.
Với khoản đầu tư vào FCC, FECON kỳ vọng vào Dự án Xây dựng Đường tránh Phủ Lý mà công ty này đang thực hiện, đồng thời nhắm đến việc đầu tư hạ tầng các dự án BOT sắp tới. Đường tránh Phủ Lý là một trong những dự án BOT cuối cùng trên Quốc lộ 1 và được đánh giá là tiềm năng nhất hiện nay. Dự án đã thực hiện được 30% trên tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng và được huy động hoàn toàn từ nguồn bên ngoài.
Nói về dự án này, ông Phạm Việt Khoa cho biết, đây là dự án nhỏ, nhưng các ngân hàng “tranh nhau” cấp vốn và FCC đã phải từ chối nhiều ngân hàng tốt. Với quyết tâm hoàn thành vào tháng 6/2016 (trước 6 tháng so với kế hoạch), FCC đã đẩy nhanh tiến độ và xin thu phí sớm khiến Dự án càng trở nên hấp dẫn.
Với số đơn vị thành viên tăng từ 7 đơn vị (năm 2013) lên 10 đơn vị (năm 2014) và đã đầu tư thêm tài sản cố định và máy móc thiết bị phục vụ kinh doanh với giá trị 206 tỷ đồng, FECON đang phát triển mạnh chuỗi cung ứng. Trong năm 2014, FECON đã xây dựng thêm nhà máy sản xuất cọc tại khu vực có dự án lớn và tiềm năng ở Nghi Sơn; khai thác mỏ cung cấp vật liệu xây dựng; tăng thêm nhiều nhà thầu phụ trong lĩnh vực thi công, cung cấp vật liệu để chủ động nguồn lực huy động; liên kết để nhận các dự án khoan nhồi, jet grouting, hạ tầng…
Với những bước đi đó, năm 2014, FECON đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Theo đó, doanh thu thuần đạt 1.354 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2013; lợi nhuận sau thuế đạt 147 tỷ đồng, tăng 25,7% so với năm 2013. Dù chỉ hoàn thành 90% kế hoạch doanh thu (1.500 tỷ đồng) do một số dự án chậm hơn tiến độ dự kiến, nhưng FECON đã hoàn thành 99% kế hoạch lợi nhuận (148 tỷ đồng) nhờ vào lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết như FCM, TEDI, Cienco 1.
Với những bước đi vững chắc cùng điều kiện thuận lợi từ những chính sách, tham vọng trở thành công ty hàng đầu về hạ tầng tại Việt Nam vào năm 2020 của FECON đang dần trở nên rõ ràng hơn.