Fed cắt giảm lãi suất tác động tới tỷ giá hối đoái ra sao?


Việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tác động lên tỷ giá, trong đó có Việt Nam.

Việc cắt giảm lãi suất của Fed dự kiến sẽ có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ nhiều quốc gia trên thế giới.
Việc cắt giảm lãi suất của Fed dự kiến sẽ có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ nhiều quốc gia trên thế giới.

Sau cuộc họp định kỳ tháng 9/2024 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), Fed đã quyết định giảm phạm vi mục tiêu của lãi suất quỹ liên bang 50 điểm cơ bản xuống phạm vi 4,75% - 5,00%.

Theo ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed, đây được coi đánh dấu "khởi đầu tốt đẹp và mạnh mẽ" cho chu kỳ cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương.

Bên cạnh đó, Fed cũng đã bỏ phiếu cắt giảm lãi suất dự trữ vượt mức (IOER) 50 điểm cơ bản xuống 4,90% trong khi vẫn giữ nguyên chương trình thắt chặt định lượng (QT) không đổi.

Đánh giá về động thái quan trọng vừa qua của Fed, ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định: “Quyết định mới nhất của FOMC là một bất ngờ so với dự báo của chúng tôi về kịch bản cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong bối cảnh kinh tế vẫn khá ổn định và lạm phát đang hạ nhiệt”.

Sau cuộc họp FOMC tháng 9, ông Suan Teck Kin kỳ vọng, Fed sẽ tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất trong các cuộc họp còn lại của năm 2024, trong đó dự báo sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm 2024 (tức là hai lần cắt giảm 25 điểm cơ bản, mỗi lần vào ngày 24/11 và ngày 24/12 của FOMC) và cắt giảm 100 điểm cơ bản vào năm 2025 (một lần cắt giảm 25 điểm cơ bản mỗi quý).

Việc cắt giảm lãi suất của Fed dự kiến sẽ có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tác động lên tỷ giá.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) phân tích, trong chu kỳ cắt giảm lãi suất, cơ chế dẫn truyền tác động lên các thị trường cận biên và mới nổi đến từ việc đồng USD sẽ có xu hướng yếu hơn so với quá khứ, do hiệu ứng chênh lệch lãi suất với các cặp tiền khác thu hẹp lại và lãi suất thấp sẽ làm giảm bớt đi sự hấp dẫn của đồng USD.

Khi đó, dòng tiền neo trú bằng đồng USD có xu hướng tái phân bổ lại các tài sản có mức rủi ro và kỳ vọng sinh lợi cao hơn.

Đối với đồng VND, thực tế, kỳ vọng vào quá trình nới lỏng lãi suất của FED đã có tác động đến tỷ giá USD/VND từ cuối tháng 6.

Theo phân tích của VinaCapital, đầu năm 2024, VND đã mất giá gần 5% so với đầu năm, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách hút bớt thanh khoản khỏi hệ thống.

Một số chuyên gia còn dự đoán NHNN sẽ tăng lãi suất chính sách của Việt Nam thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay.

“Những diễn biến này đã giúp hỗ trợ giá trị của đồng VND, nhưng áp lực mất giá của các tỷ giá ngoại tệ trong khối ASEAN chỉ thực sự giảm bớt từ cuối tháng 6 khi kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất bắt đầu tăng lên”, VinaCapital cho biết.

Cũng theo công ty quản lý quỹ này, thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất hơn 100 điểm cơ bản trong năm nay và thêm 100 điểm cơ bản nữa vào năm sau, điều này đã khiến đồng VND tăng gần 4% kể từ cuối tháng 6, cùng với sự tăng giá từ 7% - 10% của đồng Ringgit Malaysia, Baht Thái và Rupiah Indonesia.

Việc đồng Rupiah Indonesia tăng giá mạnh đã giúp ngân hàng trung ương nước này vừa qua cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 6%.

Do đó, quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Fed được kỳ vọng mang lại những tác động tích cực rõ rệt.

“Việc giảm lãi suất giúp giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái. Hiện tại, tỷ giá ngoại tệ đang giao dịch ở mức khoảng 24.650 VND/USD, và đồng VND đã tăng hơn 3% so với 2 tháng trước đây”, chuyên gia của Dragon Capital nhận định.

Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhấn mạnh, việc Fed giảm lãi suất sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Qua đó tác động tích cực tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng giá trị nhập khẩu của nước ta.

“Việc Fed giảm lãi suất cũng khiến chỉ số đồng USD (DXY) suy yếu, giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá và lạm phát, qua đó tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, chuyển hướng ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Đinh Quang Hinh cho biết.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Maybank Việt Nam lưu ý rằng, với dự phóng lãi suất Fed vẫn giữ ở ngưỡng 4,4% cuối năm 2024 (theo biểu đồ dot-plot) thì chênh lệch lãi suất USD/VND vẫn sẽ duy trì khiến tỷ giá chưa thể giảm sâu thêm đặc biệt trong bối cảnh chỉ số DXY vẫn duy trì trên mốc 100 như hiện nay.

So với biểu đồ dot-plot tháng 6, biểu đồ dot-plot tháng 9 cho thấy Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhanh hơn trong ngắn hạn nhưng duy trì lãi suất cao hơn trong dài hạn.

Lãi suất trung vị cuối năm 2024 giảm 50 điểm cơ bản xuống 4,4% theo dot-plot tháng 9 từ mức 5,1% của dot-plot tháng 6, ngụ ý hai đợt cắt giảm lãi suất nữa (25 điểm cơ bản mỗi đợt) trong tháng 11 và 12/2024, phù hợp với kỳ vọng của thị trường.

Trong năm 2025, tốc độ cắt giảm vẫn được dự báo duy trì ở mức 25 điểm cơ bản mỗi quý. Ngược lại, lãi suất chính sách dài hạn đã được điều chỉnh tăng nhẹ lên 2,9% từ mức 2,8% trước đây.

Theo Quỳnh Lê/thitruongtaichinhtiente.vn