Fed sẵn sàng điều chỉnh chính sách nếu cần
Fed đang theo dõi sát diễn biến nền kinh tế và sẵn sàng điều chỉnh chính sách nếu cần.
Phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ hôm 26/2 tại phiên điều trần bán niên về chính sách tiền tệ, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn mạnh nhưng những nguy cơ đang hình thành. Fed đang theo dõi sát diễn biến nền kinh tế và sẵn sàng điều chỉnh chính sách nếu cần.
“Trong khi chúng tôi xem điều kiện kinh tế hiện tại là lành mạnh và triển vọng kinh tế là thuận lợi, trong vài tháng qua, chúng tôi đã thấy một số tín hiệu trái ngược và các tín hiệu mâu thuẫn”, Powell nói trong bài phát biểu được chuẩn bị trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện. “Thị trường tài chính trở nên biến động hơn vào cuối năm, và điều kiện tài chính bây giờ ít hỗ trợ tăng trưởng hơn so với đầu năm ngoái”.
Trung Quốc và châu Âu là những lĩnh vực đặc biệt quan tâm và Fed đang theo sát diễn biến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng như tiến trình Brexit. “Chúng tôi sẽ theo dõi cẩn thận những vấn đề này”, Powell nói.
Những thông điệp mà Fed phát đi hồi cuối năm ngoái không khỏi khiến thị trường lo ngại là cơ quan này sẽ kiên định với lộ trình chính sách đã đề ra và sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ ngay cả khi tình hình đã xấu đi và kinh tế Mỹ có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên thời gian gần đây, các quan chức Fed đã truyền tải một thông điệp là sẽ “kiên nhẫn” với lộ trình chính sách trong tương lai, bao gồm cả việc đưa ra quyết định về lãi suất lẫn việc thu hẹp danh mục đầu tư trái phiếu mà Fed đang nắm giữ trên bảng cân đối tài sản.
Đơn cử như Chủ tịch Fed Powell đã khiến thị trường náo loạn vào tháng 12 khi ông mô tả việc thu hẹp bảng cân đối kế toán là “tự động”, thế nhưng những bình luận của ông hôm 26/2 lại cho thấy một quan điểm hoàn toàn khác. “Tôi lưu ý rằng chúng tôi đã sẵn sàng điều chỉnh bất kỳ chi tiết nào để kết thúc việc bình thường hóa bảng cân đối tài sản tùy thuộc vào diễn biến nền kinh tế và thị trường tài chính. Về lâu dài, quy mô của bảng cân đối tài sản sẽ được xác định bởi nhu cầu về các khoản nợ của Fed như là tiền tệ và dự trữ ngân hàng”, ông nói.
Bảng cân đối tài sản của Fed, bao gồm chủ yếu là trái phiếu Kho bạc Mỹ và chứng khoán thế chấp mà Fed đã mua trong giai đoạn khủng hoảng với mục tiêu kéo giảm lãi suất dài hạn và kích thích tăng trưởng, đã tăng lên 4,5 nghìn tỷ USD nhưng hiện giảm xuống còn khoảng 4 nghìn tỷ USD. Hiện quy mô thu hẹp bảng cân đối tài sản của Fed lên tới 50 tỷ USD mỗi tháng. Mặc dù các quan chức Fed dự kiến quá trình này sẽ diễn ra suôn sẻ, nó bắt đầu khiến thị trường lo ngại khi điều kiện tài chính suy yếu trong quý IV/2018.
Trong phát biểu hôm 26/2, lần đầu tiên Powell đưa ra một ước tính về quy mô dự trữ ngân hàng trước khi Fed tạm dừng hoạt động thu hẹp bảng cân đối tài sản. Ông cho biết mức có khả năng là khoảng 1 nghìn tỷ USD “cộng với một bộ đệm”, một con số mà ông nói “là điểm khởi đầu hợp lý”. Dự trữ hiện tại chỉ hơn 1,6 nghìn tỷ USD, do đó con số mà Powell đưa ra tái khẳng định sự đồng thuận rằng việc thu hẹp bảng cân đối tài sản của Fed sẽ kết thúc vào khoảng cuối năm 2019.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa của Idaho Mike Crapo - Chủ tịch ủy ban nói trong một tuyên bố rằng ông “đã quan tâm từ lâu” về các chương trình kích thích của Fed và đang tìm kiếm sự rõ ràng về kích thước cuối cùng của bảng cân đối kế toán.
Ngoài chính sách, Powell cũng chia sẻ về một số vấn đề kinh tế khác, đặc biệt là việc lạm phát thấp dai dẳng, hiện đang chạy dưới mục tiêu 2% của Fed, cũng như năng suất yếu và nợ công cao, mà theo ông sẽ khiến cho kinh tế Mỹ là “trên con đường không bền vững”. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra các điểm tích cực như là tiền lương tăng trưởng mạnh mẽ cũng như những cải thiện của thị trường lao động.
Theo kế hoạch Powell sẽ tiếp tục phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 27/2.
Đồng USD sụt giảm so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt sau bài phát biểu của ông Powell, trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng tích cực. Tuy nhiên, trong phiên ngày 27/2 đồng USD đã phục hồi trở lại khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan lại dấy lên; trong khi thị trường chứng khoán rực lửa.