Hệ quả sau khi FED tăng lãi suất
0,25% là mức lãi suất tăng thêm theo quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sau khi kết thúc cuộc họp chính sách hôm 20/12. Theo đó, lãi suất cơ bản của Mỹ hiện đã lên vùng 2,25 - 2,5%.
Các thị trường dù đã dự báo trước khả năng này nhưng cũng không tránh khỏi biến động...
Các thị trường diễn biến trái chiều
Đáng lưu ý là đi kèm với quyết định tăng lãi suất, FED cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2018 từ 3,1% xuống 3%, năm 2019 từ 2,5% xuống 2,3%. Dự báo lạm phát cũng điều chỉnh giảm từ 2,1% xuống 1,9% trong năm 2018 và từ 2% xuống 1,9% trong năm 2019.
Cùng với những nhận định trên, ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới này cũng gợi ý trong năm 2019, khả năng tăng lãi suất chỉ còn 2 lần, thay vì 3 lần như đã đưa ra hồi tháng 9.
Bất chấp quan điểm và định hướng có vẻ ôn hòa hơn từ FED, các thị trường tài sản có tính rủi ro cao như chứng khoán tiếp tục trải qua một ngày chìm sâu, khi mà một bộ phận nhà đầu tư đã kỳ vọng rằng FED có thể hoãn quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp cuối cùng của năm, cũng như khó có thể tăng thêm lãi suất trong năm 2019 do lo sợ sẽ kéo nền kinh tế rơi vào suy thoái sau những dấu hiệu giảm tốc. Các nhà đầu tư Mỹ nói chung và toàn cầu nói riêng đã bán tháo, khiến thị trường chứng khoán Mỹ có tuần tồi tệ nhất kể từ đỉnh cao khủng hoảng tài chính hồi tháng 10/2008.
Ngược lại, diễn biến trên thị trường tiền tệ đã không diễn ra như dự kiến, khi đồng USD chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi tăng và rồi tiếp tục đà đi xuống, bất chấp FED tăng lãi suất về lý thuyết luôn hỗ trợ đồng USD tăng mạnh. Có vẻ như những phát biểu nhẹ nhàng hơn từ các quan chức FED giúp nhà đầu tư có lý do tin rằng chính sách tiền tệ sẽ không còn thắt chặt ở tốc độ quá nhanh như dự kiến, khi mà FED tuyên bố sẽ điều hành dựa trên diễn biến thực tế của nền kinh tế chứ không phải cứng nhắc theo như lộ trình đã vạch ra.
Việc đồng USD vẫn suy yếu trên thị trường quốc tế đã giúp thị trường ngoại hối Việt Nam tiếp tục giữ vững sự ổn định sau khi FED tăng lãi suất. Trong khi tỷ giá trên thị trường chính thức trầm lắng với việc Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên tỷ giá trung tâm trong 4 ngày liên tiếp cuối tuần qua, thì giá giao dịch tại các ngân hàng lẫn trên thị trường tự do được điều chỉnh giảm theo diễn biến đi xuống của chỉ số USD-Index trên thị trường thế giới.
Theo lý thuyết, khi lãi suất cơ bản của đồng USD tại Mỹ được điều chỉnh tăng thì lãi suất đồng USD ở các thị trường khác trên thế giới cũng khó đứng yên. Tuy lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam đã được quy định mức trần ở 0% từ cuối năm 2015, nhưng lãi suất cho vay USD của các ngân hàng trong nước ắt sẽ diễn biến theo xu hướng chung của thế giới.
Cụ thể, giá mua bán USD tại Vietcombank có 3 ngày giảm liên tiếp với tổng mức giảm 30 đồng, trong khi USD tự do cũng giảm đến 25 đồng chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua. Diễn biến này là tích cực nếu nhìn vào giai đoạn trước đây thị trường ngoại hối trong nước thường chịu áp lực rất lớn trong những tuần cuối năm cũng như sau mỗi lần tăng lãi suất của FED, cho thấy tâm lý thị trường hiện nay đã ổn định hơn.
Khó tránh áp lực tăng lãi suất
Trong khi tỷ giá giữ được sự ổn định, thì động thái tăng lãi suất mới nhất của FED có khả năng đe dọa mặt bằng lãi suất tại Việt Nam, nhất là khi các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất huy động vốn liên tiếp trong những tháng gần đây giữa tình hình căng thẳng thanh khoản hệ thống gia tăng.
Theo lý thuyết, khi lãi suất cơ bản của đồng USD tại Mỹ được điều chỉnh tăng thì lãi suất đồng USD ở các thị trường khác trên thế giới cũng khó đứng yên. Tuy lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam đã được quy định mức trần ở 0% từ cuối năm 2015, nhưng lãi suất cho vay USD của các ngân hàng ắt sẽ diễn biến theo xu hướng chung của thế giới. Do đó, những doanh nghiệp vay USD thời gian tới có thể phải đối mặt với chi phí tài chính tăng lên.
Không chỉ vậy, lãi suất tiền đồng cũng sẽ bị những ảnh hưởng và tác động một khi lãi suất USD tăng. Vì lúc này những khoản vay vốn ngoại tệ từ các định chế tài chính quốc tế của các ngân hàng trong nước cũng sẽ đối mặt với khả năng điều chỉnh tăng. Do đó, lãi suất cho vay có thể buộc phải tăng để đảm bảo giữ tỷ suất sinh lời.
Nếu lãi suất cho vay USD tăng lên và thu hẹp với lãi suất cho vay tiền đồng, cũng có khả năng một bộ phận doanh nghiệp có thể chuyển sang vay tiền đồng vì thấy có lợi hơn khi cân nhắc thêm rủi ro tỷ giá. Khi đó, nhu cầu vay tiền đồng lên cao hơn cũng gây áp lực lên lãi suất.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới, đi đầu là FED, đã thắt chặt chính sách tiền tệ thì khó có khả năng Việt Nam sẽ nằm ngoại "cuộc chơi chung". Gần đây nhà điều hành đã bắt đầu định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại để đề phòng nguy cơ bất ổn kinh tế, trước mắt là kiểm soát chặt chẽ tín dụng và sau đó không loại trừ công cụ lãi suất có thể sẽ sử dụng đến.
Rõ ràng khi FED tăng lãi suất, dòng tiền rẻ ngày càng khan hiếm, dòng vốn đầu tư dễ dãi trước đây sẽ bị hạn chế và những nền kinh tế đang phát triển, mới nổi sẽ là nạn nhân đầu tiên. Thực tế cho thấy trong 2 năm trở lại đây, đi kèm với các đợt tăng lãi suất và thắt chặt thanh khoản của FED là sự đảo chiều của dòng vốn đầu tư quốc tế tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chảy ngược về Mỹ.
Do đó, để hạn chế tác động này, nhiều nước đã chủ động nâng lãi suất đồng nội tệ để đảm bảo nền kinh tế vẫn có được suất sinh lời hấp dẫn, cũng như giữ được giá trị đồng nội tệ trước áp lực rút vốn của giới đầu tư quốc tế.