FTA - Động lực phục hồi kinh tế

Theo TS. Lê Huy Khôi/daibieunhandan.vn

Triển vọng kinh tế năm 2022 vẫn rất sáng nhờ tác động tích cực từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định thế hệ mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều kết quả tích cực

Nhìn lại việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua có thể thấy đã tác động tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới góp phần quan trọng tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có tiềm năng từ các nước trong khu vực và thế giới đầu tư vào trong nước. Trong năm 2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng - điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Mặc dù quý III nền kinh tế "chao đảo" vì đại dịch nhưng trong 11 tháng  vẫn ghi nhận vốn FDI đăng ký đạt 26,46 tỷ USD ở 18 lĩnh vực. Công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn FDI đăng ký lên đến 12,78 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký. Bức tranh kinh tế 11 tháng phản ánh ngành chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu là động lực chính và cũng là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới góp phần tích cực đối với phát triển thương mại, khi thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Mặc dù bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch COVID-19 song tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, vượt mốc 600 tỷ USD. Kết quả này đạt được là nhờ sự nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, doanh nghiệp và kết quả thực thi các hiệp định như CPTPP, EVFTA.

Đặc biệt, năm đầu thực thi EVFTA đã đem lại những kết quả rất khả quan. Trao đổi thương mại hai chiều đạt 54,6 tỷ USD, tăng trưởng 11,9%, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 38,5 tỷ USD, tăng 11,3%. Ở chiều ngược lại, EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 16,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sử dụng C/O mẫu EUR.1 đạt khoảng 7,71 tỷ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của Liên minh châu Âu theo EVFTA. 

Một hiệp định khác là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ai Len (UKVFTA) được thực thi từ đầu năm 2021 cũng giúp quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh không bị đứt gãy trong bối cảnh Anh rời khỏi EU. Sau gần 1 năm triển khai, tính đến hết tháng 10.2021, thương mại 2 chiều đạt gần 5,5 tỷ USD, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt 4,735 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Anh đạt 706 triệu USD, tăng 25,3%.

Về tác động theo ngành, đối với lĩnh vực công nghiệp, các hiệp định thương mại tự do góp phần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế; tăng tỷ trọng hàng công nghệ chế biến, giảm tỷ trọng hàng nông, lâm, thủy sản; tăng tỷ trọng của khu vực FDI và khu vực kinh tế tư nhân, giảm tỷ trọng xuất khẩu khu vực kinh tế nhà nước. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực như đã đề ra trong Chiến lược Xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, với sự gia tăng tỷ trọng của nhóm hàng chế biến, chế tạo (từ mức 82,9% của năm 2018 lên 84,3% năm 2019).

Đáng chú ý, về quản lý nhà nước, với những cam kết thực thi trong các hiệp định, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - những hiệp định với tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử vô tư... sẽ góp phần tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực (về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp...) và tạo nên môi trường thương mại công bằng.

Dù vậy, đại dịch COVID-19 đã gây khó khăn không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả vấn đề xã hội. Trong 11 tháng năm 2021, có 106,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; trong đó, có 54,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế, chiếm 51,5% số doanh nghiệp thành lập mới. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng với trên 300 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 79 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch và chỉ tăng 11,1% so với mức tăng 20% của khu vực FDI. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu và lỏng lẻo…

Xây dựng chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Theo đó, mục tiêu tổng quát nêu rõ: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn; kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Trong đó, Nghị quyết đề ra các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%...

Để cụ thể hóa các mục tiêu, việc tận dụng các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do đóng vai trò rất quan trọng. Nói cách khác, các hiệp định này sẽ là động lực cho hồi phục và tăng trưởng kinh tế năm 2022. Muốn khai thác tốt các cơ hội này, cần tập trung vào những giải pháp sau.

Thứ nhất, cần xây dựng chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, tập trung triển khai có hiệu quả các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là triển khai kế hoạch thực thi các hiệp định thế hệ mới... để hướng tới xuất, nhập khẩu mang tính cân bằng hơn, bảo đảm thị trường ổn định, lâu dài, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.

Thứ hai, đối với các thị trường chưa có FTA, cần chọn lọc, hạn chế “mở cửa” thêm thị trường cho các đối tác có cơ cấu hàng hóa cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng khu vực và kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, cần cân nhắc nghiên cứu để mở rộng thị trường xuất khẩu với những đối tác tiềm năng, quy mô lớn với cơ cấu hàng hóa mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Thứ ba, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình đã đề ra.

Thứ tư, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Thứ năm, cần phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương trong việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính,... tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Thứ sáu, các bộ, ngành, cần tích cực tham vấn với các hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để nắm bắt các khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp.

Thứ bảy, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế. 

Thứ tám, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực (đặc biệt cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc, diễn biến dịch COVID-19, ứng xử với dòng vốn FDI, kịch bản thương mại với Hoa Kỳ, kịch bản mở rộng CPTPP và kịch bản phê chuẩn RCEP, rủi ro khủng hoảng nợ toàn cầu...).

Thứ chín, đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm còn dư địa khai thác trong bối cảnh đại dịch cũng như khả năng đáp ứng các hiệp định quan trọng (như CPTPP, EVFTA, RCEP)...