G20 thúc đẩy thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu
Các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới thuộc G20 đang xem xét việc thực hiện áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu. Đề xuất này dự kiến sẽ được thúc đẩy và quyết định vào giữa năm nay.
Thế giới phản ứng ra sao với đề xuất thuế toàn cầu?
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi thực hiện mức "Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu" đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh.
“Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu” nhằm mục đích chấm dứt cuộc cạnh tranh về thuế giữa các nước, các doanh nghiệp và các tập đoàn đa quốc gia, chấm dứt tình trạng những gã khổng lồ công nghệ quốc tế lợi dụng các “thiên đường thuế” để trốn thuế. Hình thức trốn thuế quốc tế phổ biến là thành lập trụ sở doanh nghiệp ở những nước có thuế suất thấp để làm giảm nguồn thu của chính phủ các nước.
Theo bà Yellen, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” trên toàn cầu về thuế suất doanh nghiệp. Ông Biden đã đề xuất một loạt thay đổi về thuế doanh nghiệp và cho rằng sự thay đổi này có thể huy động hơn 2.000 tỷ USD trong vòng 15 năm để trả cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo đó, thuế doanh nghiệp của Mỹ sẽ tăng từ 21% lên 28%, thuế tối thiểu của Mỹ đối với thu nhập từ nước ngoài của các công ty tăng lên 21% và thực hiện các bước nhằm ngăn các công ty chuyển trụ sở và công việc ra nước ngoài.
Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng có phản hồi tích cực và cho rằng vấn đề trước mắt chỉ còn là xác định mức thuế suất chung bao nhiêu. Các nước lớn như Pháp, Đức đồng thời lên tiếng tán thành những động thái và quan điểm của Mỹ.
“Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu” đồng thời đã nhận được sự ủng hộ và khuyến khích của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhiều Bộ trưởng Tài chính từ các quốc gia thành viên G20. Ý tưởng này được kì vọng sẽ là một bước tiến quan trọng đối với thuế suất toàn cầu trong những tháng tới.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc đưa ra một mức thuế suất chung tối thiểu toàn cầu là điều không hề dễ dàng. Cải cách này sẽ ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Hơn thế nữa, việc vấp phải những chỉ trích hay phản đối từ các nước thuế thấp là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn, nền kinh tế Ireland đã bùng nổ trong những năm gần đây do dòng vốn đầu tư hàng tỷ đô la từ các công ty đa quốc gia nước ngoài, vì vậy Dublin (thủ đô của Ireland) đã chống lại các nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm hài hòa các quy tắc thuế của EU trong hơn một thập kỷ và khó có thể chấp nhận mức thuế suất tối thiểu cao hơn.
2 nhiệm vụ chính trong kế hoạch thuế của G20
Thứ nhất, đặt ra một mức thuế chung tối thiểu đối với các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là đối với các dịch vụ số. Bước này nhằm chấm dứt các hình thức trốn thuế của đại gia công nghệ, loại bỏ những mức thuế đơn phương áp đặt với mục đích kiếm lời. Theo đó, nếu thuế suất ở quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đó thấp hơn mức tối thiểu, quốc gia nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh chính thức sẽ được quyền thu thêm phần chênh lệch.
Thứ hai, thuế suất không còn phụ thuộc vào nơi doanh nghiệp đăng kí hoạt động mà phụ thuộc vào mức độ và doanh thu đạt được của doanh nghiệp đó. Đây được cho là nỗ lực nhằm xóa bỏ những “thiên đường thuế” trên toàn cầu, ngăn các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang khu vực pháp lí có thuế suất thấp. Chẳng hạn, Cộng hòa Ireland có mức thuế doanh nghiệp là 12,5%, thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Một số lãnh thổ của Vương quốc Anh cũng có thuế suất doanh nghiệp thấp hoặc bằng không, bao gồm cả Quần đảo Cayman và Guernsey.
Hiện tại, mức thuế tối thiểu toàn cầu cụ thể vẫn chưa được đưa ra nhưng kế hoạch này được kì vọng sẽ tạo ra thay đổi quan trọng trong cuộc chiến ngăn chặn hao hụt doanh thu của các chính phủ trên toàn cầu.