Gắn kết bởi lợi ích và tương lai
Ngay sau khi đặt chân tới Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần lượt có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) chiều ngày 10/11.
Toàn cầu hóa là không thể đảo ngược
“Trên đường từ sân bay đến đây, tôi được chứng kiến những khung cảnh xinh đẹp của thành phố Đà Nẵng” - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở đầu bài phát biểu tại APEC CEO Summit.
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định giá trị của hợp tác quốc tế và nền kinh tế mở. “Trong vài thập kỷ gần đây, toàn cầu hóa kinh tế đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển toàn cầu. Điều đó đã trở thành sự thay đổi lịch sử không thể đảo ngược” - nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh.
Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương kiên trì với chính sách kinh tế đa phương hóa, xây dựng “vận mệnh cộng đồng”... trong đó các thành viên APEC phải trở thành đầu tàu và động lực dẫn dắt nền kinh tế khu vực và thế giới đi lên, thay vì do dự và tụt hậu. “Chúng ta nên tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế mở nhằm mang lại lợi ích cho mọi người. Sự mở cửa mang lại tiến bộ trong khi cô lập sẽ dẫn đến tụt hậu” - Chủ tịch Trung Quốc nói.
Ông Tập Cận Bình cũng nhắc lại mục tiêu xây dựng khu vực tự do thương mại mà các thành viên APEC xác định trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Hà Nội năm 2006, sau đó đã đạt được nhận thức chung về lộ trình thực hiện tại APEC Bắc Kinh 2014.
Ông cũng tin rằng các nền kinh tế APEC cần đổi mới nhiều lĩnh vực để tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới, đồng thời có sự trao đổi, kết nối chặt chẽ để tạo không gian phát triển, giải phóng tiềm lực của mình. “Trung Quốc sẽ không chậm bước trong mở cửa. Chúng tôi sẽ hợp tác cùng các nước khác để tạo ra động lực cho hoạt động phát triển chung thông qua sáng kiến Vành đai và con đường”.
Ở cuối bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc nhắc lại mô hình “quan hệ quốc tế kiểu mới” mà Trung Quốc từng đề ra, nhằm tăng cường hợp tác, phát triển hòa bình, xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng và mang lại phúc lợi cho toàn thể người dân khu vực.
Hợp tác với châu Á vẫn là xu hướng của tương lai
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có bài phát biểu tại APEC CEO Summit ngay sau khi tới Đà Nẵng. Mở đầu bài phát biểu, ông gửi lời chia buồn tới các nạn nhân của cơn bão Damrey tại Việt Nam. Trước đó, Đại sứ quán Mỹ cho biết Washington quyết định viện trợ khẩn cấp hơn 1 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 12 cũng như giảm thiểu rủi ro thiên tai thời gian tới.
Nói về Đà Nẵng, ông chủ Nhà Trắng nhắc lại rằng, nơi đây từng đặt căn cứ Mỹ trong thời gian Chiến tranh Việt Nam. Thế nhưng, “ngày hôm nay, chính tại đây, chúng ta không còn là kẻ thù nữa. Chúng ta là bạn” - Tổng thống Donald Trump khẳng định.
Ông nhắc tới Cầu Rồng và sự quyến rũ của Đà Nẵng để từ đó nhấn mạnh, Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và sinh viên Việt Nam nằm trong nhóm sinh viên chất lượng hàng đầu thế giới.
Về sự tham gia của Mỹ đối với khu vực, ông Trump sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” thay cho “châu Á - Thái Bình Dương” và khẳng định Mỹ tự hào là một thành viên của cộng đồng các quốc gia ở khu vực.
Ông nhắc lại sự hiện diện và gắn kết của Mỹ với khu vực đã có từ rất sớm, từ việc gửi tàu buôn đến Trung Quốc những năm 1780 cho tới hợp tác kinh tế với Thái Lan và các quốc gia khác; đồng thời khẳng định đó cũng sẽ vẫn là xu hướng của tương lai: “Chúng ta đã là bạn bè, đối tác và đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ rất lâu trước đây và trong một thời gian rất dài nữa”.
Đánh giá cao sự phồn thịnh của khu vực, ông Trump đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác và sát cánh để thúc đẩy thịnh vượng và an ninh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Trump cũng không quên nhắc nhở các đối tác “tuân thủ luật lệ” để có “công bằng về thương mại”.
Mặc dù gửi đi những thông điệp khác nhau, song lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều khẳng định vị trí, vai trò của APEC cũng như lợi ích mà khu vực này mang lại đối với chính nước họ, coi đó là chất gắn kết các nước với khu vực.