Gắn kết thương mại Việt Nam - Senegal: Hướng tới đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Thanh Hằng

Trước bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, tạo ra nhiều sức ép khiến Việt Nam cần nhanh chóng mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong nỗ lực đa dạng hóa đối tác thương mại ngoài các thị trường truyền thống, Senegal - quốc gia nằm ở vị trí chiến lược tại Tây Phi đang nổi lên như một điểm đến đầy triển vọng, mở ra cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm và khai thác hiệu quả các tiềm năng thương mại sẵn có.

Senegal - cửa ngõ vào thị trường Tây Phi

Senegal là quốc gia nổi bật với nền chính trị ổn định và chính sách thương mại cởi mở. Với vị trí chiến lược và hệ thống cảng biển Dakar hiện đại, Senegal đóng vai trò là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa quan trọng cho nhiều quốc gia không giáp biển trong khu vực. Bên cạnh đó, Senegal là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở Tây Phi, với dân số hơn 17 triệu người với nhu cầu tiêu dùng lớn, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, thủy sản và thực phẩm chế biến.

Senegal là thị trường tiềm năng cho hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam.
Senegal là thị trường tiềm năng cho hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam.

Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đạt 43,43 triệu USD, gần bằng tổng kim ngạch của cả năm 2024 (43,91 triệu USD). Trong đó, gạo tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với kim ngạch 25,67 triệu USD, phản ánh rõ nhu cầu lớn của thị trường Senegal.

Nguyên nhân do Senegal là quốc gia tiêu thụ gạo lớn thứ ba tại châu Phi, chỉ sau Nigeria và Côte d’Ivoire. Mỗi năm, nước này phải nhập khẩu từ 800.000 đến 1 triệu tấn gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong đó hơn 90% là gạo 100% tấm - loại phù hợp với khẩu vị và thu nhập của phần lớn người dân. Gạo thơm Việt Nam loại 100% tấm hiện đã có mặt tại nhiều siêu thị ở Senegal, được đóng gói phổ biến theo quy cách 5kg và 25kg, với mức giá bán lẻ khoảng 1,3 USD/kg.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông sản và thực phẩm khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Hạt tiêu đạt 6,8 triệu USD, trong khi rau quả đạt 1,7 triệu USD. Những con số này cho thấy hàng Việt Nam không chỉ có năng lực cạnh tranh cao mà còn phù hợp với thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Tây Phi đầy tiềm năng này.

Thúc đẩy hợp tác song phương

Mới đây, ông Mbaye Chimère Ndiaye - Tổng Thư ký Phòng Thương mại thu đô Dakar (Senegal) đã kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam chủ động đầu tư vào lĩnh vực chế biến tại Senegal, đặc biệt là các ngành sử dụng nguyên liệu sẵn có như hạt điều thô và bông, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương và gia tăng giá trị sản phẩm. “Senegal là thị trường đầy triển vọng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 8,4% trong năm 2025, một trong những mức cao nhất tại châu Phi. Đây là cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh tại khu vực Tây Phi", ông Ndiaye cho biết.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang mong muốn mở rộng hợp tác với các đối tác có tiềm lực và thị trường ổn định và Senegal được đánh giá là điểm đến tiềm năng tại khu vực Tây Phi. Trong đó, đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam cho biết, đang tìm kiếm đối tác nhập khẩu gạo và các mặt hàng nông sản tại Senegal.

Hapro hiện đang sở hữu nhà máy xay xát gạo đạt chuẩn quốc tế tại Đồng Tháp, với năng lực chế biến lớn và hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Sản phẩm của doanh nghiệp này đã có mặt tại hơn 70 thị trường trên toàn cầu, tạo nền tảng vững chắc để mở rộng sang thị trường châu Phi. Tương tự, đại diện Tổng Công ty Cổ phần Chè Việt Nam cho biết, mong muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với doanh nghiệp bản địa trong lĩnh vực xuất khẩu chè đen và chè xanh, đây là những mặt hàng có thế mạnh và truyền thống của Việt Nam.

Trong khi đó, Công ty Nông sản Ngôi sao Phương Nam – một doanh nghiệp khởi nghiệp với dòng sản phẩm rau, quả sấy khô hữu cơ như bột rau má, bột tía tô đang nỗ lực tiếp cận các nhà phân phối và hệ thống bán lẻ tại Senegal. Đây là minh chứng cho thấy không chỉ các “ông lớn” xuất khẩu mà cả doanh nghiệp nhỏ, sáng tạo cũng nhìn thấy tiềm năng tại thị trường châu Phi.

Để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Senegal, các chuyên gia cho rằng cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến thương mại, công nghiệp và đầu tư nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho các hoạt động hợp tác. Song song đó, việc thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Senegal được xem là bước đi quan trọng để thúc đẩy giao thương và tăng cường kết nối doanh nghiệp hai nước.

Ngoài ra, cần tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Senegal tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế như Vietnam Expo, Vietnam International Sourcing Expo, Vietnam Food Expo hay Hội chợ Quốc tế Dakar… để mở rộng thị trường và tìm kiếm đối tác mới. Đặc biệt, sự phối hợp trong việc giới thiệu cơ hội kinh doanh, hỗ trợ các công ty xác minh đối tác cũng như tư vấn giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh là yếu tố then chốt giúp xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi.