Gần nửa triệu công ty Trung Quốc phá sản trong quý I/2020 do đại dịch COVID-19
Hơn 460.000 công ty của Trung Quốc đã phá sản trong quý đầu tiên năm 2020 khi đại dịch COVID-19 làm suy yếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Già nửa trong số các công ty đó mới hoạt động được khoảng ba năm.
Các doanh nghiệp bị phá sản bao gồm nhiều công ty bị thu hồi giấy phép hoạt động, cũng như những bên đã tự chấm dứt hoạt động, với 26.000 công ty trong lĩnh vực xuất khẩu, theo SCMP.
Trong khi đó, số lượng các công ty mới được thành lập sụt giảm đáng kể. Từ tháng 1 đến tháng 3/2020, chỉ khoảng 3,2 triệu doanh nghiệp đã thành lập, giảm 29% so với một năm trước đó. Hầu hết các công ty mới này đều ở các trung tâm kinh tế lớn, chẳng hạn như tỉnh Quảng Đông, và gần một nửa trong số đó là phân phối hoặc bán lẻ.
Số lượng các doanh nghiệp phá sản đã thể hiện rõ những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt khi nước này cố gắng phục hồi nền kinh tế, vốn có nguy cơ bị thu hẹp trong quý đầu tiên kể từ năm 1976.
Một nhà kinh tế từ ngân hàng Societe Generale của Pháp cho biết, "Trung Quốc đã phần nào thành công trong việc kiểm soát sự bùng phát của COVID-19, qua đó khiến sự gián đoạn nguồn cung trong nước gần như đã biến mất. Tuy nhiên, sự sụt giảm nhu cầu trong nước, và trên hết là cú sốc bên ngoài do sự phong tỏa diện rộng ở các nền kinh tế lớn khác, đang khiến Trung Quốc phải xem xét lại các kế hoạch trong thời gian sắp tới".
Tại Đông Quản - một trung tâm công nghiệp thịnh vượng một thời, hàng loạt cửa hàng trống rỗng và các nhà máy đóng cửa đang trở thành một đặc điểm đáng chú ý của cảnh quan nơi đây khi các công ty vật lộn với sự sụt giảm nhu cầu quốc tế.
Các chủ doanh nghiệp Trung Quốc, những người không còn đủ khả năng duy trì hoạt động phải đối mặt với nhiều rào cản trước khi họ có thể đóng cửa một công ty.
Nếu một công ty mất khả năng thanh toán muốn hủy đăng ký kinh doanh, họ cần phải làm thủ tục phá sản hoặc xuất trình các giấy tờ xác nhận không có khoản nợ chưa thanh toán hoặc một số nghĩa vụ khác.
Một khi các cổ đông hoặc chủ doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản, có thể mất nhiều tháng để các tòa án chấp nhận vụ việc. Sau đó sẽ là một quá trình xác minh dài với nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan, ông Li Haifeng, một đối tác tại Baker McKenzie nói.
"Tôi mong đợi một sự đột biến ngay sau khi tình hình lắng xuống. Chúng tôi biết nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản. Tuy nhiên tôi cho rằng họ không cần phải tuyên bố hoặc nộp đơn xin phá sản ngay lập tức", ông Li nói.
Hiện tại, theo các con số chính thức, hơn 460.000 công ty của Trung Quốc đã phá sản trong quý đầu tiên. Mặc dù vậy, một luật sư tại Bắc Kinh lại cho rằng: "Do tính chất tốn kém của thủ tục phá sản, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ đang phải vật lộn với dòng tiền hoặc không có đủ tài sản, số lượng hồ sơ phá sản năm nay sẽ không cao".
Những lo ngại về số lượng các công ty sẽ phá sản ngày càng tăng, đã khiến nhiều tòa án của Trung Quốc phải bác bỏ và trì hoãn hồ sơ phá sản, theo các luật sư và tài liệu chính thức.
Điều này cùng với sự gián đoạn trong quá trình tố tụng tại tòa án do lệnh phong tỏa, đã giúp làm chậm lại việc xem xét các vụ phá sản tại Trung Quốc.
Các luật sư tại Bắc Kinh cho rằng một sự trì hoãn và từ chối thực hiện các vụ phá sản chắc chắn là để giữ cho nền kinh tế được tiếp tục. Quá nhiều trường hợp phá sản sẽ gây thêm khó khăn cho quá trình phục hồi nền kinh tế.
Chính phủ Trung Quốc đang duy trì các kế hoạch nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế trong năm nay, ngay cả khi nước này đang chuẩn bị cho một 'làn sóng' thứ hai của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, tỷ lệ thu hẹp của nền kinh tế Trung Quốc trong quý đầu tiên đang tăng lên. Điều này đã khiến các nhà kinh tế tranh luận về việc liệu Bắc Kinh có đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cụ thể cho năm 2020 hay không?
Ma Jun, một thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã đề nghị Bắc Kinh điều chỉnh lại mục tiêu đặt ra trước đây do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 mang đến nhiều điều không chắc chắn.
Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, lại cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn sự mở rộng kinh tế của Trung Quốc, mặc dù chính phủ rất cần thực tế về các mục tiêu phát triển.