Trung Quốc khởi động lại guồng máy kinh tế sau COVID-19
Tính đến ngày 29/3, tỷ lệ hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn của Trung Quốc đạt 98,6%, tỷ lệ đi làm lại của người lao động đạt 89,9%, tỷ lệ khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 76,8%.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Tân Bân (XinBin) cho biết tại buổi họp báo liên ngành phòng, chống COVID-19 của Quốc vụ viện Trung Quốc, ngày 30/3.
Quay trở lại ngày 18/3, ngày đánh dấu cột mốc quan trọng của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, lần đầu tiên trong nhiều tuần, trên toàn quốc không có thêm ca nhiễm mới. Đến ngày 22/3, chỉ có thêm một ca nhiễm nội địa trong số 48 ca nhiễm mới, còn lại 47 ca nhập cảnh từ nước ngoài vào. Đáng chú ý, Hồ Bắc không có ca nhiễm mới trong bốn ngày liên tiếp. Dưới bối cảnh này, Trung Quốc bắt đầu cho khởi động lại guồng máy kinh tế của mình.
Ngày 23/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy phòng, chống COVID-19 song song với phát triển kinh tế xã hội, yêu cầu tối ưu hóa mọi mặt của công tác ổn định việc làm.
Đối với nhóm doanh nghiệp thiếu hụt lao động, gặp áp lực ổn định nhân sự; nhóm lao động trọng điểm gặp khó khăn trong tìm việc, yêu cầu giảm tải áp lực, bảo đảm vị trí việc làm, mở rộng phạm vi tìm việc, hỗ trợ bằng nhiều nguồn nhằm tạo việc làm, bảo đảm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Tiếp đó, tại chuyến thăm và làm việc ở đầu tàu kinh tế Chiết Giang ngày 29/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra những yêu cầu về toàn cục, đưa ra sáu ổn định gồm: ổn định việc làm, thương mại quốc tế, vốn ngoại, đầu tư và dự toán. Trong đó, giao thông là ngành được ưu tiên trong chuỗi khôi phục kinh tế; công tác dân sinh được đặt lên hàng đầu; công nghệ 5G, công nghệ cao và trí tuệ thông minh có cơ hội phát huy tác dụng được đẩy mạnh khai thác.
Sau gần hai tháng đình trệ do tác động của COVID-19 trên toàn quốc, kinh tế Trung Quốc đã ấn nút khởi động lại sau khi qua cao điểm của dịch vào ngày 12/3, với hàng loạt các chính sách và biện pháp thúc đẩy kinh tế đi vào khôi phục sản xuất, theo phương châm lấy doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ, liên kết hành động từ Trung ương đến địa phương, kết hợp nội ngoại lực.
Các ngành chế tạo Trung Quốc thành lập tổ công tác chuyên trách, nhằm giải phóng sức lao động tại các ngành nghề trọng điểm; thúc đẩy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp lớn; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ổn định mặt bằng chung của những khu kinh tế trọng điểm.
Về những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, Quốc vụ viện Trung Quốc yêu cầu thúc đẩy các biện pháp khôi phục hoạt động, sản xuất của những ngành chế tạo và lưu thông hàng hóa; nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa hàng không quốc tế của Trung Quốc, nỗ lực ổn định chuỗi cung ứng.
Tai các địa phương, TP. Bắc Kinh cho phép hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện như cửa hàng bán buôn, bán lẻ, ăn uống, cửa hàng tiện lợi, dịch vụ vận tải… khôi phục hoạt động kinh doanh.
Tại tâm dịch Hồ Bắc, sau khi hạ cấp độ rủi ro dịch bệnh của TP. Vũ Hán xuống mức trung bình, tỉnh này cũng khôi phục vận chuyển hành khách đường sắt nội tỉnh từ ngày 8/4, khôi phục có hạn chế các chuyến bay thương mại, tỷ lệ hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn đạt hơn 95%, tỷ lệ đi làm lại của người lao động đạt 70%. Nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm tại TP. Vũ Hán đã mở cửa phục vụ người dân mua sắm.
Về tổng thể, tình hình khôi phục hoạt động và sản xuất của ngành chế tạo Trung Quốc có nhiều tiến triển tích cực. Các nhóm sản xuất trọng điểm như vật tư phòng dịch, nhu yếu phẩm, nông nghiệp, thương mại quốc tế, công nghệ cao… đạt con số khôi phục ấn tượng.
Trong giai đoạn đầu của khôi phục kinh tế, Trung Quốc đã phân nhóm doanh nghiệp trọng điểm, lần một gồm 51 doanh nghiệp đầu tàu và 7.300 doanh nghiệp cung ứng, lần hai gồm 41 doanh nghiệp đầu tàu và 379 doanh nghiệp cung ứng. Năng lực sản xuất của nhóm này hiện đã xấp xỉ cùng kỳ năm trước.
Về các biện pháp khôi phục sản xuất, Trung Quốc tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành, hoàn trả bảo hiểm thất nghiệp với tổng trị giá 22,2 tỷ NDT (3,17 tỷ USD) cho 1,46 triệu doanh nghiệp không sa thải hoặc sa thải ít nhân viên; trong tháng 2 đã miễn giảm 123,9 tỷ NDT (17,7 tỷ USD) phí bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp; cấp khoản kinh phí 800 triệu NDT (114 triệu USD) hỗ trợ tiền công cho lao động nông thôn không thể quay lại thành phố làm việc để tham gia các dự án công ích nông thôn.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc dự kiến phát hành công trái đặc biệt, quy mô phát hành từ khoảng 2.000 - 4.000 tỷ NDT (285 - 570 tỷ USD), tương đương khoảng 2-4% GDP, để ứng phó với tác động của dịch bệnh đối với kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, kích thích tiêu dùng của người dân.
Ngày 30/3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm ra thị trường 50 tỷ NDT (7,14 tỷ USD) thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược có kỳ hạn bảy ngày với lãi suất 2,2%, giảm 20 điểm cơ bản (2,4%) so với kỳ trước, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2015. Tính đến ngày 21/3, các địa phương Trung Quốc đã phát hành 1.408 tỷ NDT (200 tỷ USD) trái phiếu chính quyền địa phương.
Sau chiến dịch chống COVID-19, Trung Quốc hiện đang bước vào chiến dịch khôi phục kinh tế, truyền thông nước này cho biết.