Gánh nặng của doanh nghiệp đang nhẹ bớt phần nào

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) “Những nỗ lực của ngành thuế đã giúp giảm trên 25% khối lượng công việc trong kế toán thuế” không phải là nhận định của cơ quan thuế hay chuyên gia kinh tế, mà là từ một doanh nghiệp đang hàng ngày cung cấp dịch vụ kê khai nộp thuế.

 Gánh nặng của doanh nghiệp đang nhẹ bớt phần nào
Những nỗ lực của ngành thuế đã giúp giảm trên 25% khối lượng công việc trong kế toán thuế. Nguồn: internet
Đây là nhận định từ trải nghiệm của ông Dương Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Dịch vụ Kế toán Thịnh Phát (một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ kế toán, kê khai nộp thuế cho gần 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Cà Mau) trong một phóng sự mới phát sóng trên VTV1.

Ông Thịnh cho rằng hơn ai hết, ông là người thấu hiểu những tác dụng của các cải cách hành chính thuế trong thời gian qua từ công việc hàng ngày của mình.

Thông tư 119 về cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế đã giải quyết được phần nào những gánh nặng về thủ tục thuế đối với doanh nghiệp (DN), ông Thịnh cho biết.

Từ những con số trên bảng xếp hạng

Câu chuyện về cải cách thuế chỉ là một trong số những chỉ đạo của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Lật giở lại báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế vào thời điểm những năm 2012, 2013, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được đánh giá thấp với nhiều tiêu chí ở dưới mức trung bình.

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2013 xếp thứ 70/148 nền kinh tế, tăng 7 bậc so với năm 2012.

Tuy vậy, hầu hết các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của nước ta đều ở dưới mức trung bình, nhất là thể chế (xếp thứ 98), hạ tầng (xếp thứ 82), giáo dục đào tạo bậc cao (xếp thứ 95), phát triển DN (xếp thứ 98), mức độ sẵn sàng về công nghệ (xếp thứ 102), thị trường tài chính (xếp thứ 93).

Trước đó, báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ, giảm 1 bậc so với năm 2012.

Các tiêu chí đánh giá về môi trường kinh doanh của nước ta là rất thấp, nhất là bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (xếp thứ 169), tiếp cận điện năng (xếp thứ 155), xử lý DN mất khả năng thanh toán (xếp thứ 149), nộp thuế (xếp thứ 138), thành lập doanh nghiệp (xếp thứ 108).

Trước những áp lực mà trên hết là từ nhu cầu tự thân phải thay đổi để phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 đề ra hàng loạt các biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhờ Nghị quyết này, lần đầu tiên trong lịch sử đã có một nghị định của Chính phủ sửa tới 4 nghị định, và Bộ Tài chính có 1 thông tư sửa tới 7 thông tư. Đây là một trong những việc làm cụ thể, nhằm đơn giản hóa quy trình hồ sơ, thủ tục hành chính cho DN trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng và thành lập, giải thể DN.

Đến “niềm vui đầu tiên”

Các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia còn mới mẻ và bộn bề, cần có thời gian để lan tỏa và để lọt vào “mắt xanh” của những chuyên gia đánh giá độc lập, để được ghi nhận trong những bản báo cáo của các tổ chức quốc tế. Tuy vậy, đã có những nỗ lực ban đầu được ghi nhận và đánh giá cao.

Trước hết, bản thân các DN đã cảm nhận được những cải thiện trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một cuộc khảo sát gần đây cho biết 67% trong số 1.000 DN được hỏi cho rằng môi trường kinh doanh đang được cải thiện.

Theo Báo cáo cập nhật về Môi trường kinh doanh công bố tháng 10/2014 của Ngân hàng Thế giới (số liệu tính đến tháng 6/2014), xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 21 bậc, từ 99 lên 78/185.

Ngoài ra, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng đã tăng 2 bậc, từ 70 lên 68/148 nền kinh tế theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố tháng 9/2014.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody’s nâng từ mức B2 lên B1, Fitch nâng từ B+ lên BB- và đều đánh giá là với triển vọng ổn định).

Ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Italy tại Việt Nam đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện rất thuận lợi. “Chúng tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian gần đây. Điều này thu hút ngày càng nhiều những nhà đầu tư đến Việt Nam”, ông này chia sẻ.

Giám đốc Chương trình Tư vấn cải thiện môi trường đầu tư của ICF khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, bà Wendy Werner cũng đánh giá cao những hành động của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư và minh bạch các điều luật.

Bà nhận thấy các DN tư nhân đã rất năng động trong việc đề xuất với Chính phủ về các chính sách cải thiện môi trường đầu tư. Điều này giúp cho khối DN tư nhân trở thành một động lực quan trọng tạo ra công ăn việc làm cũng như phát triển nền kinh tế.

Câu chuyện về cải cách mới chỉ bắt đầu

Việc Thủ tướng “sốt ruột” về năng suất lao động thấp hay mong muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia không phải mới được nhắc đến gần đây. Trong lần gặp gỡ giáo sư Michael Porter vào năm 2010, người đứng đầu Chính phủ đã chia sẻ với “cha đẻ” của học thuyết cạnh tranh hiện đại rằng ông rất “chú trọng đến năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là nâng cao năng suất lao động”.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ, trong đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính thì trọng tâm là cải thiện môi trường kinh doanh. Và trong cải thiện môi trường kinh doanh, trước mắt cần tập trung làm cho được trong 4 lĩnh vực: Thuế, hải quan, khởi sự kinh doanh và đất đai, xây dựng.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng trong thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ... vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí cho DN và người dân. Một số Bộ ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ cấp thiết.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo, tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho DN và người dân.

Thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, DN và nền kinh tế.

Vận hành đồng bộ, thông suốt các loại thị trường, nhất là các thị trường hàng hóa, lao động, tài chính, bất động sản, khoa học công nghệ. Thực hiện phân bổ nguồn lực và quản lý giá theo cơ chế thị trường.

Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục giảm mạnh thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thành lập giải thể phá sản DN, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng, đổi mới công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch. Các Bộ, ngành, địa phương phải xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong quản lý điều hành.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực rất rõ từ đầu năm 2014 khai thông những hoạt động kinh doanh ở trong nước để hướng tới lộ trình, cơ hội trong trung hạn.

Tất cả nỗ lực của Chính phủ đều hướng tới mục tiêu đến cuối 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN 6. Như vậy, các DN hoàn toàn có thể kỳ vọng về một môi trường kinh doanh tương tự như các nước Thái Lan, Indonesia hay thậm chí là Malaysia.