Gạo lên cơn "sốt giá", các quốc gia nào sẽ gặp khó?

Theo Cẩm Anh/diendandoanhnghiep.vn

Các chuyên gia đang cảnh báo, gạo có thể sẽ là mặt hàng tiếp theo bước vào "cơn sốt giá" trong thời gian tới, và điều này sẽ đẩy nhiều quốc gia vào thế khó khăn hơn.

Thu hoạch lúa gạo ở Ấn Độ.
Thu hoạch lúa gạo ở Ấn Độ.

Cụ thể, trong bài đăng trên CNBC, giá lương thực từ lúa mì, các loại ngũ cốc khác, thịt, dầu... đã tăng vọt. Đà tăng giá các hàng hóa này được thúc đẩy bởi một loạt yếu tố, từ chi phí phân bón, năng lượng tăng cao do chiến sự Nga - Ukraine.

Số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy giá gạo toàn cầu đã tăng tháng thứ năm liên tiếp, với mức tăng 3,5% kể từ tháng 4. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục tăng trong tuần này do nhu cầu tăng mạnh và lo ngại rằng nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới có thể hạn chế các lô hàng xuất khẩu.

Trong khi đó, báo cáo của The Grocer cho thấy các nhà nhập khẩu và bán lẻ gạo của Vương quốc Anh trong những tuần gần đây đã cảm nhận được những tác động từ bên ngoại và bắt đầu chứng kiến các đợt sốt giá gạo.

Một số lo ngại về nguồn cung gạo xuất hiện do nhu cầu nội địa đối với gạo gia tăng ở các quốc gia xuất khẩu gạo đông dân của châu Á. Đặc biệt, hàng loạt quốc gia như Ấn Độ và Indonesia đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu đối với những mặt hàng quan trọng như lúa mì, dầu cọ. 

Ông Paul Teng, Chuyên gia cao cấp tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết hầu hết các quốc gia ở Châu Á coi việc đảm bảo có đủ gạo với giá cả phải chăng trên thị trường nội địa không chỉ là vấn đề an ninh lương thực mà còn là vấn đề an ninh quốc gia.

Trên thực tế, sản lượng lúa gạo vẫn dồi dào. Tuy nhiên, bà Sonal Varma, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) cho rằng: "Chúng ta cần theo dõi giá gạo trong thời gian tới. Bởi giá lúa mì tăng có thể thúc đẩy nhu cầu đối với gạo và làm giảm nguồn cung sẵn có".

Bà Sonal Varma cũng chỉ ra, chủ nghĩa bảo hộ lương thực trên toàn cầu đã khiến áp lực giá càng trở nên tồi tệ. "Chi phí trồng trọt tăng lên, trong khi giá nhiên liệu tăng cao đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa lên cao. Vì thế, chúng ta có nguy cơ chứng kiến chủ nghĩa bảo hộ lương thực sẽ được áp dụng ở nhiều quốc gia hơn", vị chuyên gia cảnh báo.

Theo dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh là bốn quốc gia sản xuất gạo hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, việc duy trì chiến lược zero- COVID tại Trung Quốc đã làm chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, và cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã khiến các quốc gia này xem xét lại chính sách lương thực. Điều này sẽ khiến nguồn cung gạo khan hiếm hơn.

Ngoài ra, lạm phát tăng cao kỷ lục ở nhiều quốc gia đã làm tăng giá thực phẩm như thịt, gia cầm và cá, cũng như trái cây tươi, ngũ cốc đóng gói sẵn. Khi giá các loại ngũ cốc như lúa mì và yến mạch tăng cao, người tiêu dùng có thể sẽ chọn ăn nhiều gạo hơn. 

Trong khi đó, giá gạo tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia ở châu Á - nơi tiêu thụ gạo nhiều nhất. Ông Nafees đại diện khu vực Nam Á tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế nhận định: “Ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia như Đông Timor, Lào, Campuchia, Indonesia sẽ bị ảnh hưởng khá nặng nề nếu giá gạo tiếp tục tăng cao hơn nữa”.