Lệnh cấm xuất khẩu lương thực ở châu Á đang làm dấy lên lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ
Các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm xuất khẩu lương thực có thể khiến các nước láng giềng tiến hành biện pháp trả đũa.
Khi xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá nông sản toàn cầu bị đẩy lên mức cao ngất ngưởng, một số chính phủ châu Á đã hạn chế xuất khẩu các sản phẩm được coi là thiết yếu đối với an ninh lương thực trong nước. Với Indonesia, đó là dầu ăn. Ấn Độ là lúa mì. Và đối với Malaysia là gà.
Logic để lý giải cho những lệnh cấm này là các nhà lãnh đạo không muốn bị đổ lỗi vì cho phép các mặt hàng thiết yếu được bán ra nước ngoài với giá như đối với người tiêu dùng có thu nhập thấp ở trong nước.
Nhưng các lệnh cấm này có nguy cơ làm tổn hại đến nông dân và nhà sản xuất. Một mối lo ngại nữa là chu trình bảo hộ hiện nay có thể dẫn đến các hạn chế xuất khẩu đối với một số lương thực khác - bao gồm cả gạo, lương thực chính của hơn một nửa dân số thế giới. Mối lo lắng đó càng tăng hơn vào tháng trước, khi một quan chức từ Thái Lan cho biết nước này đang xem xét thiết lập một hiệp định giá gạo với Việt Nam, một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn, để giúp hai quốc gia tăng cường “khả năng thương lượng”.
“Vấn đề là ở chỗ: Một khi nước nào đó bắt đầu đóng cửa biên giới, các quốc gia khác sẽ nghĩ, 'Ồ, có lẽ chúng ta cũng cần phải đóng cửa biên giới của mình', và làm như vậy thì toàn bộ lượng thực phẩm chuyển vào một nước sẽ bị dừng lại," Richard Skinner, một chuyên gia an ninh lương thực của công ty kiểm toán PwC nói.
“Và khi lượng thực phẩm dừng lại,” ông nói thêm, “nó thực sự làm cho vấn đề ban đầu trở nên tồi tệ hơn.”
Hiệu ứng của lệnh cấm đã được người tiêu dùng cảm nhận. Tại Singapore, chính phủ kêu gọi người dân chuyển sang các loại thịt thay thế thịt gà đông lạnh để ứng phó lệnh cấm ở quốc gia láng giềng Malaysia. Nhưng điều đó chỉ là niềm an ủi nhỏ nhoi đối với chủ những quầy hàng rong bán gà mà thôi.
Hiện tại, các chủ quầy hàng đã tăng giá và mở rộng sang các món ăn khác, nhưng trước mắt họ vẫn cảm thấy “lo sợ”, Natalie Lee, một người bán hàng rong cho biết.
“Chuyển sang một thực đơn mới cũng có nghĩa là tham gia vào một thị trường mới mà chúng tôi không chắc chắn về nó,” chị Lee, 30 tuổi bộc bạch trên Facebook.
Nguồn cung cấp lương thực toàn cầu đã bị gián đoạn không chỉ bởi chiến sự ở Ukraine mà còn bởi đại dịch coronavirus, những đợt thời tiết khắc nghiệt gần đây, cũng như giá năng lượng và phân bón tăng cao. Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, những áp lực đó đang đe dọa hàng trăm triệu người nghèo, những người mà phần lớn thu nhập của họ dành để mua các mặt hàng cơ bản như gạo và lúa mì.
Vào tháng 4, Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, đã dừng xuất khẩu mặt hàng này để cố gắng giảm giá dầu ăn tăng trong nước. Giá dầu thực vật trên toàn cầu đã tăng vọt kể từ khi chiến sự nổ ra khiến xuất khẩu dầu hướng dương của Ukraine sụt giảm. Chính phủ Indonesia đã huỷ bỏ lệnh cấm của mình chưa đầy một tháng sau đó.
Tháng trước, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mì, ngoại trừ một số trường hợp, trong bối cảnh đợt nắng nóng bất thường đã gây thiệt hại nặng nề cho vụ thu hoạch lúa mì của nước này. Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết lệnh cấm là cần thiết vì giá cây trồng tăng đột biến, "do nhiều yếu tố," đang đe dọa an ninh lương thực của Ấn Độ.
Trong tháng này, Malaysia đã tạm ngừng xuất khẩu thịt gà, trong đó phần lớn xuất sang Singapore. Các quan chức vào tháng trước cho biết đây là một nỗ lực để giá trong nước và chi phí sản xuất của nông dân - vốn bị đẩy lên bởi giá ngô và đậu tương tăng - có cơ hội ổn định.
“Ưu tiên của chính phủ là người dân Malaysia,” Thủ tướng Malaysia, ông Ismail Sabri Yaakob cho biết vào thời điểm đó.
Các nhà phân tích cho rằng các lệnh cấm xuất khẩu như vậy có thể giúp giảm giá trong nước của các mặt hàng lương thực kể trên. Điều đó cũng có ý nghĩa chính trị đối với các nhà lãnh đạo vì họ lo ngại công chúng sẽ phản ứng gay gắt đối với việc giá cả tăng cao khiến ngân sách của người dân thành thị có thu nhập thấp bị chững lại.
Nhưng các lệnh cấm cũng có những bất lợi thực sự và chưa thực sự khi chúng có giúp ích gì về lâu dài hay không. Các nhà phân tích nhận định, một rủi ro rõ ràng là lệnh cấm xuất khẩu của các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực có thể khiến các nước láng giềng thực hiện biện pháp trả đũa. Một vấn đề khác là một quốc gia áp dụng lệnh cấm xuất khẩu có thể ngăn cản được nông dân trong nước của họ tìm cách xuất khẩu sang các thị trường béo bở hay không.
Ví dụ, lệnh cấm lúa mì của Ấn Độ được người tiêu dùng thành thị hoan nghênh như một biện pháp kiểm soát giá lương thực tăng nhưng không được lòng những nông dân mất cơ hội kiếm thêm tiền khi giá lúa mì cao kỷ lục, theo một phân tích gần đây của Cullen S Hendrix, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Denver.
Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo gần như biết rõ là giá dầu ăn tăng cao thông qua các cuộc khảo sát công khai về kết quả hoạt động, Bhima Yudhistira Adinegara, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật, một tổ chức tư vấn ở thủ đô Jakarta, cho biết. Vì vậy lệnh cấm xuất khẩu của Tổng thống có ý nghĩa vì “lý do chính trị”.
“Chính phủ phải làm điều gì đó, nếu không sẽ bị xem là hoạt động kém hiệu quả,” ông nói.
Tuy nhiên, lệnh cấm được nhiều người cho là sai lầm và không hiệu quả, và nó không làm dịu giá cả như chính phủ của Tổng thống Joko đã hứa.
Eceu Titi, 50 tuổi, một người bán hàng rong ở Jakarta, cho biết giá dầu ăn khoảng 14.000 rupiah Indonesia, tương đương 96 cent / lít trước khi lệnh cấm xuất khẩu có hiệu lực và đã gần gấp đôi kể từ đó, thậm chí vẫn còn giá đó mặc dù lệnh cấm đã kết thúc vào tháng trước.
Do đó, Eceu đã tăng giá đồ chiên ăn nhẹ và tìm cách để sử dụng dầu chiên nhiều lần hơn. Nhưng khi một số khách hàng phàn nàn về việc tăng giá gần đây, Eceu đã chấp nhận quay lại mức giá cũ cho khách hàng, nhưng bị thua lỗ.
Bà cho biết: “Tôi không thể cương quyết bán theo giá mới. "Chúng tôi đang sống cùng nhau ở đây, và họ là những khách hàng thường xuyên của tôi."
Hiện mối quan tâm hàng đầu là các hạn chế xuất khẩu lương thực của khu vực sẽ nhân rộng và lan sang các mặt hàng khác, bao gồm cả gạo, nguồn lương thực dự trữ của người nghèo trên thế giới. Một số ý kiến cho rằng tình hình hiện tại mang âm hưởng của năm 2008, năm mà một số nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, bao gồm cả Ấn Độ và Việt Nam, hạn chế xuất khẩu, khiến người tiêu dùng hoảng sợ và giá cả đã tăng vọt.
Cuộc khủng hoảng đó, kéo theo sự tăng vọt của giá lúa mì, ngô và các mặt hàng nông sản chính khác, không phải do mất mùa hay thiếu ngũ cốc. Tuy nhiên, trong một vài tuần, tình trạng đó gây ra lo ngại về bất ổn trong dân chúng. Có thời điểm, Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo của Philippines, nước nhập khẩu gạo hàng đầu châu Á lúc bấy giờ, đã triển khai binh lính vũ trang để giám sát việc bán gạo của chính phủ.
Peter Timmer, giáo sư danh dự về nghiên cứu phát triển tại Đại học Harvard, người đã giúp chính phủ Hoa Kỳ ứng phó với cuộc khủng hoảng năm 2008, cho biết ông lo lắng rằng tình trạng thiếu lúa mì và ngô hiện nay sẽ khiến Ấn Độ và Việt Nam phải lặp lại việc hạn chế xuất khẩu gạo.
Tháng trước, người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan, Thanakorn Wangboonkongchana, nói với Reuters rằng Thái Lan và Việt Nam “hướng tới mục tiêu tăng giá gạo, tăng thu nhập cho nông dân và tăng khả năng thương lượng” trên thị trường gạo toàn cầu. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Nam, nói với hãng tin rằng hai nước sẽ gặp nhau vào tháng 6 nhưng không nhằm mục đích kiểm soát giá cả.
Dù điều gì xảy ra, Timmer nói, rõ ràng là áp lực hiện tại đối với chuỗi cung ứng thực phẩm, bao gồm tình trạng thiếu năng lượng và phân bón, đã phức tạp hơn nhiều so với 14 năm trước.
Ông nói: “Nhưng điểm chung của tình hình năm 2008 là chúng ta có thể làm cho tình hình thực sự phức tạp, khó khăn này trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu các nước bắt đầu dựng lên các rào cản thương mại.