Gấp rút hoàn thiện dự thảo nghị định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công

Đức Mạnh

Vừa qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công nhằm thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP, đồng thời đã thực hiện lấy ý kiến vào dự thảo này. Hiện nay, Bộ đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành.

Nghị định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công là một nghị định rất khó và quan trọng.
Nghị định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công là một nghị định rất khó và quan trọng.

Tập huấn nghiệp vụ ngay khi Nghị định được ban hành

Gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Hòa Bình đề nghị có hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Giải đáp kiến nghị này của cử tri Hòa Bình, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

 

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các bộ, ngành, địa phương qua nhiều giai đoạn chính sách đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tài sản công còn chậm. Hiện vẫn còn 74.605 cơ sở/256.652 cơ sở chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 37/2018/TT-BTC, Thông tư số 125/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện; trong đó đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền phê duyệt phương án và quyết định xử lý nhà, đất khi thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và việc sắp xếp lại, xử lý xe ô tô, máy móc, thiết bị và tài sản công khác.

Bên cạnh đó, khi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, Bộ Tài chính đã tổ chức các hội nghị tập huấn tới các bộ, ngành, địa phương hoặc có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị triển khai thực hiện hoặc tập huấn, hỗ trợ trực tiếp/có văn bản trả lời theo đề nghị của Bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Hòa Bình.

Vừa qua, thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương (trong đó có tỉnh Hòa Bình), tập đoàn, tổng công ty nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công nhằm thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành.

Khẩn trương hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ

Trước đó, Bộ Tài chính đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo này. Theo ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), đây là một Nghị định rất khó và quan trọng, Bộ Tài chính đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần cầu thị, vì mỗi ý kiến đều xuất phát từ thực tiễn, nắm rõ các vướng mắc phát sinh khi triển khai thực hiện xử lý lại, sắp xếp tài sản công.

Liên quan đến một số điểm cơ bản của dự thảo Nghị định, theo Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh, tên gọi của dự thảo đề xuất vẫn giữ tên cũ là Nghị định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Nghị định kế thừa phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP là 3 loại tài sản công phải sắp xếp lại, xử lý gồm: Đất, nhà, công trình khác gắn liền với đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; xe ô tô; máy móc, thiết bị và tài sản công khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đối với tài sản công là xe ô tô, máy móc, thiết bị và tài sản công khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện rà soát, đối chiếu giữa tài sản hiện có với tiêu chuẩn, định mức và nhu cầu sử dụng tài sản; trường hợp tài sản hiện có phù hợp với tiêu chuẩn, định mức và nhu cầu sử dụng thì được giữ lại tiếp tục sử dụng. Trường hợp dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng hoặc đủ điều kiện thanh lý thì việc quyết định xử lý và tổ chức xử lý tài sản được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ; không thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Về phạm vi nhà, đất thực hiện và không thực hiện sắp xếp, dự thảo kế thừa việc xác định phạm vi nhà, đất phải thực hiện sắp xếp và không phải thực hiện sắp xếp đã được quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP đến nay vẫn còn phù hợp.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Cơ bản thống nhất với các nội dung tại dự thảo Nghị định và đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương doanh nghiệp trong việc hoàn thiện dự thảo nghị định, ông Trần Xuân Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hải Phòng cho biết, liên quan đến đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất, đề nghị bỏ đối tượng phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là doanh nghiệp vì việc giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Như vậy, sau khi đơn vị được giao quản lý, sử dụng đất theo quyết định cho thuê đất, giao đất của cấp có thẩm quyền thì việc quản lý, sử dụng nên được tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

 

Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua đã ghi nhận được một số kết quả khả quan: Cơ bản nắm được tổng thể nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương và địa phương đang quản lý. Cùng với đó, đã tạo nguồn lực để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới theo hướng hiện đại hóa một số trụ sở của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tạo nguồn thu ngân sách nhà nước.