Sử dụng tài sản công để kinh doanh, cho thuê phải nộp 2% doanh thu vào ngân sách

Đức Mạnh

Theo quy định tại Nghị định số 144/2024/NĐ-CP vừa được ban hành, đơn vị sự nghiệp công lập phải tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước, trong đó, phải nộp vào ngân sách nhà nước một khoản tiền tối thiểu bằng 2% doanh thu từ hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản công.

Làm rõ tiêu chí tài sản công được kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, việc triển khai quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đã phát sinh nhiều bất cập, trong đó phổ biến là việc lựa chọn đối tác kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo tiêu chí hiện hành của đơn vị sự nghiệp công lập gặp nhiều vướng mắc do không có cơ sở để đánh giá chấm điểm đối với từng tiêu chí. Bên cạnh đó, một số trường hợp vì lý do bất khả kháng, đối tác liên doanh, liên kết không thể tiếp tục thực hiện nên đề nghị chấm dứt hợp đồng trước hạn…

Để tháo gỡ những vướng mắc này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định số 144/2024/NĐ-CP là quy định liên quan đến việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Theo đó, Nghị định làm rõ quy định tài sản công được dùng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết như sau: Tài sản công phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đơn vị sự nghiệp công lập để cung cấp dịch vụ cho các đối tượng không phải là đối tượng được cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, thì được xác định là sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và phải thực hiện theo quy định tại các Điều 55, 56, 57 và 58 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các Điều 42, 43, 44, 45, 46 và 47 Nghị định này.

Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cho tất cả các đối tượng, cũng được xác định là sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và phải thực hiện theo quy định tại các Điều 55, 56, 57 và 58 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các Điều 42, 43, 44, 45, 46 và 47 Nghị định này.

Nghị định cũng làm rõ đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao. Cụ thể,  trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và báo chí, tài sản công phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị gồm: hoạt động sản xuất, xuất bản, phát hành các ấn phẩm thông tin, báo chí, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình và các hoạt động khác cho các đối tượng được cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của đơn vị theo quy định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành.

Ngoài ra, còn có tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, gồm: quảng cáo; quyền xem các sản phẩm báo chí, trao đổi, mua bán bản quyền nội dung; hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực thông tin truyền thông và báo chí; cung cấp dịch vụ ăn uống, trông, giữ xe cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, khách đến giao dịch, công tác; vị trí lắp đặt máy rút tiền tự động, máy bán hàng tự động, lắp đặt, xây dựng công trình viễn thông; vị trí lắp đặt màn hình led, tấm pano phục vụ thông tin, tuyên truyền.

Việc xác định đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực nào để áp dụng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.

Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công để phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thì không phải lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; không phải báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định khai thác tài sản. Việc thuê quản lý vận hành tài sản để phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định này.

Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí

Nghị định số 144/2024/NĐ-CP cũng đã bổ sung khoản 5 Điều 43 quy định, việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước. Chi phí khấu hao thực hiện theo chế độ hạch toán, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đồng thời, đơn vị sự nghiệp công lập phải có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước một khoản tiền tối thiểu bằng 2% doanh thu thu được từ hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (ngoài các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định tại điểm c khoản này). Mức nộp cụ thể được xác định theo Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Nghị định cũng quy định rõ, các đối tượng không phải nộp 2% doanh thu, gồm có đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường.

Ngoài ra, Nghị định số 144/2024/NĐ-CP quy định, các đơn vị thuộc các đối tượng phải nộp tiền thuê đất, khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập không phải nộp tiền thuê đất khi sử dụng tài sản gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và thực hiện nộp tiền thuê đất cho Nhà nước.

Cùng với đó, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm lập Đề án, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) xem xét, có ý kiến về Đề án và gửi cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Sở Tài chính (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý).

Căn cứ đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết được phê duyệt, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm quyết định cụ thể việc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết; quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá hoặc thuê doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá trị tài sản công sử dụng vào liên doanh, liên kết; tổ chức lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết.