GDP có thể tăng cao nhất 6,1% năm 2021
Với kịch bản cơ sở tăng trưởng kinh tế bình quân năm 2021 có thể đạt 6,1%, CPI trung bình khoảng 4%, được dự báo là kịch bản có khả năng xảy ra nhất hiện nay.
Thông tin này được PGS.TS Hà Văn Sự - Trưởng khoa Kinh tế - luật (Đại học Thương mại) nêu tại công bố báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2020 với chủ đề "Đầu tư và tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19".
PGS.TS Hà Văn Sự cho hay tác động của dịch COVID-19 là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới, tác động mạnh mẽ, sâu sắc và tiêu cực, đẩy thế giới vào khủng hoảng suy thoái trong đà phục hồi rất mong manh. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng như hàng không, vận tải, đầu tư FDI toàn cầu, làm tê liệt chuỗi cung ứng và chuỗi thương mại toàn cầu…
Theo nhóm nghiên cứu, dự báo hai kịch bản tăng trưởng. Cụ thể, với kịch bản cơ sở tăng trưởng kinh tế bình quân năm 2021 có thể đạt 6,1%, CPI trung bình khoảng 4%, được dự báo là kịch bản có khả năng xảy ra nhất hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi và đại dịch COVID-19 dần được khống chế.
Với kịch bản này, nhiều nền kinh tế lớn của thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng dương trở lại như Mỹ, EU, Nhật Bản… nhờ đó kinh tế trong nước sản xuất dần được phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng mức 7%. Đóng góp của FDI dự kiến tiếp tục được duy trì, chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, phù hợp nhằm giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Với kịch bản thấp, báo cáo dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,5%, CPI trung bình khoảng 3,5%. Mặc dù đánh giá đây là kịch bản ít có khả năng xảy ra, nhưng báo cáo đánh giá nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới trì trệ và phục hồi chậm, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Việt Nam bị tác động, đầu tư khu vực nhà nước ở mức thấp, thì tăng trưởng khó đạt được triển vọng cao hơn.
Năm 2020 tác động của Covid-19 là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới, tác động mạnh mẽ, sâu sắc và tiêu cực, đẩy thế giới vào khủng hoảng suy thoái trong đà phục hồi rất mong manh. Việt Nam vì thế cũng bị ảnh hưởng mạnh do độ mở kinh tế lớn, hơn 200%. Nhưng, theo nhóm nghiên cứu báo cáo của Đại học Thương mại, Covid-19 không hoàn toàn là thách thức.
COVID-19 là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới, tác động mạnh mẽ, sâu sắc và tiêu cực, đẩy thế giới vào khủng hoảng suy thoái trong đà phục hồi rất mong manh. Hàng không là ngành chịu tác động nặng nề nhất.
"Rõ ràng dịch bệnh làm tê liệt nhiều hoạt động kinh tế, nhưng nhiều lĩnh vực có cơ hội phát triển như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chuyển đổi số, thương mại điện tử... nếu phát triển trực tuyến", ông Hà Văn Sự nhận xét.
Công thức đạt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, ông nhấn mạnh, là vừa thực hiện mục tiêu kép chống dịch, phát triển kinh tế cộng với vaccine Covid-19. Chính phủ cũng cần tiếp tục các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động thông qua miễn, giảm thuế, lãi suất... tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi để cải thiện sức mua của người dân.
Các chuyên gia của Đại học Thương mại cũng khuyến nghị, Chính phủ cần thực thi chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, áp dụng công cụ thuế, đầu tư công, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, kinh tế số, ngành chế biến chế tạo, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng.
Song song đó, hoàn thiện chính sách thương mại hàng hóa, tăng cường xúc tiến xuất khẩu và kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu và cán cân thương mại, chống gian lận xuất xứ và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...