Hỗ trợ nhanh nhất cho người lao động và doanh nghiệp
Nghị quyết số 68/NQ ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Nghị quyết số 68) đã chính thức được triển khai tại các địa phương.
Gói hỗ trợ dự kiến lên tới 26 nghìn tỷ đồng lần này tập trung vào hai đối tượng chính là người lao động và người sử dụng lao động; mà đa số là công nhân và những lao động trực tiếp bị ảnh hưởng sâu của dịch, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, để có thể bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Hỗ trợ người dân nhanh nhất có thể...
Có thể thấy, với gói hỗ trợ nêu trên, với đối tượng tập trung như vậy cho nên chính sách được thiết kế rất cụ thể, gồm ba nhóm chính sách cơ bản. Thứ nhất là, nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp về tiền mặt cho người lao động bị tạm dừng hợp đồng, bị tạm hoãn hợp đồng, bị ngưng việc.
Thứ hai là, nhóm chính sách tập trung vào để miễn giảm, hỗ trợ từ các chính sách bảo hiểm về an toàn lao động, hưu trí, tử tuất và bảo hiểm thất nghiệp. Nhóm chính sách thứ ba là, chính sách hỗ trợ để phục hồi sản xuất, mà cụ thể là tái cấp vốn và lấy một phần từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người sử dụng lao động để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, giữ chân người lao động để phục hồi sau dịch COVID-19.
Tại buổi họp báo công bố Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Quyết định số 23), Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ là “cuộc cách mạng” về thủ tục. Chưa bao giờ chúng ta đơn giản hóa về thủ tục, rút ngắn thời gian đến như vậy và giảm bớt toàn bộ những hồ sơ thủ tục liên quan để bảo đảm mục tiêu là triển khai gói này nhanh nhất đến người dân, đến người lao động và chủ sử dụng lao động nhanh nhất và tăng cường hậu kiểm.
Trên tinh thần đó, nếu trước đây cho vay để trả lương hoặc phục hồi sản suất thì thời gian tiếp cận là trong vòng một tháng 10 ngày và với bốn loại hồ sơ khác nhau, nhưng đến bây giờ chúng tôi rút ngắn toàn bộ thời gian, quy trình lại. Chỉ còn bốn ngày giải quyết hồ sơ, ba ngày để tái cấp vốn và hồ sơ chỉ còn một loại hồ sơ duy nhất để tiếp cận; hay với việc tạm dừng đóng hưu trí, tử tuất, trước đây thời gian giải quyết lên tới 25 ngày, với các trường hợp thông thường đến giờ rút xuống chỉ còn năm ngày...
Để chính sách nêu trên được triển khai một cách nhanh nhất, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương. Ngay sau khi có Quyết định số 23, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đã có thể triển khai toàn tuyến cho người lao động và người sử dụng lao động rồi.
Riêng đối với người cách ly thuộc diện F1 và người điều trị F0, thì ngay khi có Nghị quyết số 68, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương trên cơ sở quyết định của cấp có thẩm quyền để điều trị F0 và cách ly F1 cho thụ hưởng ngay tiền ăn.
Nhiều điểm mới từ nhóm chính sách bảo hiểm
Trong số 12 chính sách hỗ trợ có tới ba chính sách liên quan đến BHXH, BH thất nghiệp. Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động sẽ giảm và tạm dừng đóng vào hai loại quỹ, đồng thời được hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm...
Với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đây là chính sách hỗ trợ mới theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, theo đó người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Đặc biệt, người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống dịch COVID-19. Chính sách không phát sinh thủ tục hành chính mới. Việc đăng ký tham gia, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Với chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, đây là chính sách hỗ trợ kế thừa từ Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP trước đó. Với điểm mới là, nới lỏng điều kiện so với Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP, chỉ cần giảm 15% số lao động thuộc diện tham gia BHXH là được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 68 là sáu tháng, dài hơn so trước đây là ba tháng. Thủ tục, hồ sơ đơn giản hóa rất nhiều so với đợt dịch trước, giảm từ ba thành phần hồ sơ xuống còn một thành phần, đặc biệt thời gian giải quyết giảm gấp năm lần, từ 25 ngày xuống còn 5 ngày.
Với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, đây là chính sách hỗ trợ mới theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Chính phủ trong thẩm quyền của mình cho phép giảm một số điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (giảm điều kiện về cắt giảm lao động, giảm điều kiện về khả năng tài chính để đào tạo cho người lao động) để hỗ trợ người sử dụng lao động trong quá trình cơ cấu lại đầu tư, đổi mới công nghệ và quản trị, thích ứng với môi trường kinh tế trong nước và quốc tế trong và sau đại dịch COVID-19, với thời gian hỗ trợ một năm và nâng mức hỗ trợ tối đa từ một triệu đồng/người/tháng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng.