GDP lập kỷ lục trong một thập kỷ, không còn phụ thuộc vào tín dụng
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ước tính tăng trưởng kinh tế GDP cả năm 2018 của Việt Nam đạt 6,9-7%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Thông tin này được ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) đưa ra tại báo cáo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018 diễn ra tại Hà Nội ngày 20/12. Như vậy, mức tăng trưởng này cao hơn hẳn so với chỉ tiêu đặt ra hồi đầu năm (6,7%).
Cao nhất trong 10 năm
Có được mức tăng trưởng này là nhờ các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; ngành dịch vụ; nông, lâm thủy sản tăng trưởng tốt. Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ. Giá dịch vụ y tế giảm, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng chậm lại và tín dụng được kiểm soát tốt cũng đã giúp lạm phát đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Trước những kết quả đạt được, ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch NFSC nhận định 2018 là năm nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nhưng Việt Nam đã vượt qua, tận dụng được các cơ hội để phát triển. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 4 lần điều chỉnh lãi suất nhưng tỷ giá ở Việt Nam vẫn ổn định.
"Chính phủ cũng đã nỗ lực cải cách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn, khơi dậy nhiều động lực để phát triển," ông Phước đánh giá.
Mặc dù vậy, NFSC cũng chỉ ra một số tồn tại trong thị trường vốn của Việt Nam năm 2018 khi tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng của thị trường vốn còn hạn chế như các loại hình quỹ đầu tư trong nước còn nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng. Việc nới rộng với nhà đầu tư nước ngoài còn vướng mắc. Tính minh bạch trong thị trường vốn cũng là điểm yếu của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển của Đại học Fulbright Việt Nam đồng ý với nhận định của NFSC cho rằng động lực tăng trưởng đến từ hai khu vực chính là công nghiệp chế biến và dịch vụ nhưng ông Thành cũng chỉ ra rằng, đã có sự thay đổi căn bản.
"Nếu như năm 2017, Việt Nam phụ thuộc vào điện thoại và thiết bị điện tử với tốc độ tăng trưởng 20-30% thì nhóm ngành này chỉ tăng khoảng 11% trong 11 tháng năm 2018. Động lực cho sự tăng trưởng thay vào đó lại đến từ những ngành hưởng lợi từ chính sách để thay thế hàng nhập khẩu, như sản xuất ôtô và dược phẩm," ông Thành nói.
Bên cạnh đó, ông Thành cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong năm nay không còn phụ thuộc vào tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng theo ước tính của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho năm 2018 dưới 15%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng hơn 18% của năm 2017, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhất 10 năm.
"Nhiều chuyên gia đã tỏ ra quan ngại khi tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam những năm trước gắn với mức độ thâm dụng tín dụng. Tuy nhiên trong năm nay, không cần tăng trưởng tín dụng cao nhưng tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục tăng. Tôi cho rằng, đây là tín hiệu tích cực, bởi sẽ mất bền vững nếu tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được duy trì 17-18% cho đến năm 2020," ông Thành khẳng định.
NFSC dự báo, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%. Theo ông Phước, sở dĩ mức dự báo năm nay cao là dựa vào tốc độ phát triển kinh tế, đồng thời kinh tế năm sau cũng có thể được hỗ trợ bởi các yếu tố quốc tế như hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại, đặc biệt là từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP…
"Với những yếu tố từ bên ngoài, chúng tôi cho rằng, chiến tranh thương mại vẫn có nhiều điểm thuận lợi cho kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới năm 2019 được dự báo không còn tăng nhiều như năm 2018, các chính sách tiền tệ của nhiều nước (ví như Mỹ) sẽ điều hành thận trọng hơn để duy trì tăng trưởng kinh tế, lạm phát của toàn cầu cũng sẽ giảm… sẽ có những hỗ trợ tích cực cho kinh tế Việt Nam trong năm 2019," ông Phước nhận định.
Cũng theo ông Phước, diễn biến thị trường trong nước cũng được dự báo sẽ có nhiều hỗ trợ cho tăng trưởng GDP trong năm 2019, đó là: chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân, đổi mới mô hình tăng trưởng, môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện…
“Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2019 ít nhiều sẽ chịu tác động bởi yếu tố quốc tế biến động khó lường. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Do đó, ổn định tài chính cần tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách năm 2019,” ông Phước dự báo.
Về lạm phát, năm 2019 có thể chịu tác động từ yếu tố giá thực phẩm và chi phí nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, áp lực khiến CPI tăng mạnh là không nhiều do giá hàng hoá thế giới dự báo chỉ tăng nhẹ.
“Nếu chưa tính đến điều chỉnh giá dịch vụ công, CPI bình quân năm 2019 có thể dưới mức 3,6%,” ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát cho biết.
Doanh nghiệp "găm" ngoại tệ gửi lấy lãi
Báo cáo của Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia cũng cho hay xu hướng gửi ngoại tệ năm nay tăng mạnh, ước đạt 17%, cao hơn rất nhiều so với mức 2,1% của năm 2017. Tỷ lệ huy động vốn ngoại tệ chiếm gần 10% tổng vốn huy động.
Bình luận về huy động vốn ngoại tệ tăng mạnh, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhận định, các con số trên cho thấy doanh nghiệp đang găm ngoại tệ.
Hiện tượng này xuất hiện kể từ đầu năm đến nay. Nói cách khác, các doanh nghiệp bắt đầu không dùng ngoại tệ để kinh doanh nữa mà gửi ngân hàng.
"Điều đó cho thấy các doanh nghiệp cũng rất cẩn trọng trong việc giữ khả năng thanh toán ngoại tệ của mình, tỏ ra lo ngại việc tỷ giá hối đoái có thể tăng. Đây là yếu tố mà Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc để điều hành thị trường trong năm 2019," ông Nghĩa khuyến nghị.
Về điều hành tỷ giá năm 2019, để góp phần hỗ trợ tăng trưởng đạt như mục tiêu đặt ra, ông Lê Đức Thúy - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng nên điều hành linh hoạt, có lên có xuống như năm 2018.
Về tỷ giá năm 2018, so với hồi đầu năm, báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia thống kê tỷ giá trung tâm tăng 1,5%; tỷ giá ngân hàng thương mại tăng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng 3,5%. Đây là mức điều chỉnh phù hợp và Ngân hàng nhà nước đã điều hành thành công, góp phần để hỗ trợ xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 7%.
Về xu hướng của lãi suất, theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, so với năm 2017, lãi suất tiền gửi và cho vay đều năm nay đều cao hơn. Lãi suất tiền gửi bình quân năm nay là 5,25% còn lãi suất cho vay bình quân đạt 8,91%.
Bình luận về xu hướng này, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Lãi suất tiền gửi vẫn là một ẩn số của năm 2019, bản thân tôi cũng chưa có câu trả lời. Những tháng cuối năm, số liệu thị trường cho thấy lãi suất đang tăng dù tín dụng đang tăng chậm lại. Song chưa thể đánh giá được việc lãi suất tăng này chỉ là tín hiệu thời vụ hay tín hiệu tăng lãi suất của năm 2019.”