GDP quý I: Mừng mà lo
(Tài chính) Những tín hiệu tích cực từ tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2014 đang bước đầu tạo dựng niềm tin trong đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, mừng và lo vẫn là cảm giác đan xen.
GDP quý I/2014 ước đạt 4,96% - cao hơn cùng kỳ 2 năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, khu vực dịch vụ tăng 5,95%.
Trái chiều với GDP, chỉ số CPI cả nước tháng 3/2014 âm 0,44%. So với tháng 12/2013, CPI tháng 3/2014 tăng 0,8%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 13 năm qua.
Nếu nhìn xuyên suốt ba tháng trong bối cảnh chung nền kinh tế còn tồn tại những điểm nghẽn như: nợ xấu cao, tăng trưởng tín dụng thấp, vốn đầu tư nền kinh tế giảm…, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế với xu hướng quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước là tín hiệu tích cực, bước đầu tạo dựng niềm tin, sự lạc quan trong đầu tư và tiêu dùng.
Nhưng lạm phát giữ ở con số thấp như vậy đã là tín hiệu lạc quan cho cả nền kinh tế năm 2014 hay chưa thì vẫn còn cần phải xem xét.
Nhiều ý kiến vẫn cho rằng còn quá sớm để đánh giá được tăng trưởng kinh tế qua chỉ số CPI thấp. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn ở con số này trong ngắn hạn thì ít nhất cũng thấy những dấu hiệu dẫn đến lạm phát đã được khắc phục.
Song, về dài hạn thì lạm phát phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế, do vậy, nếu không giải quyết được bài toán về tăng trưởng kinh tế thì có thể thiểu phát sẽ là sự kìm hãm nền kinh tế.
Trong một lần phát biểu tại hội nghị gần đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng bày tỏ rằng đừng nhìn con số CPI thấp mà đã vội mừng. Theo bà Lan: “Hãy nhìn từ phía đằng sau con số đó sẽ thấy sức chịu đựng của doanh nghiệp trong nước vốn đã yếu nay còn yếu hơn, khi sức mua trong dân đã cạn kiệt”.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, trong quý I/2014, chỉ số tồn kho là 13,4%, còn chỉ số tiêu thụ chỉ có 4,3%. Mặc dù tốc độ tăng trưởng có phục hồi song nền kinh tế vẫn đang rất trì trệ. Chỉ cần nhìn vào khu vực sản xuất trong nước vẫn đang gặp phải rất nhiều khó khăn cũng thấy rõ điều này.
Bằng chứng là số lượng doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm còn ở mức khá cao, lên tới 16.700 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tồn kho cao và CPI thấp thì lại là điều đáng lo chứ chưa hẳn đã mừng! Điều này chứng tỏ sức tiêu dùng trong nước còn kém. Và nếu cứ để đà này, sản xuất sẽ giảm dần tác động lên hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn tới tình trạng bên cạnh những doanh nghiệp không thể vay được vốn do nợ xấu cao, còn có những doanh nghiệp mặc dù có khả năng vay vẫn không muốn vay, vì không có nhu cầu mở rộng sản xuất.
Kết thúc 3 tháng và chúng ta đang trong những ngày của tháng 4/2014, bức tranh vĩ mô 3 tháng đầu năm đã hiện rõ, nhưng câu hỏi lớn vẫn cần đặt ra là làm thế nào để tăng tổng cầu nhằm thực hiện tăng trưởng kinh tế VN, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.