GDP xanh - chỉ số đo lường thực chất sự phát triển bền vững

Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Chiêu Thụy, Huỳnh Minh Đoàn - Khoa Tài chính – Kế toán, Trường Đại học Cửu Long

Tăng trưởng xanh là xu hướng phát triển kinh tế hướng tới sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, trên thế giới và trong nước đã đề cập tới chỉ tiêu GDP xanh (Green GDP) như một chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Tổng cục Thống kê đã và đang nghiên cứu để vận dụng vào điều kiện Việt Nam. Bài viết sẽ làm rõ về GDP xanh, nội dung, phương pháp tính và vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khái quát về GDP xanh

GDP xanh là một trong những chỉ tiêu kinh tế tổng hợp đánh giá chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. GDP xanh phản ảnh sự phát triển của một quốc gia một cách toàn diện bao gồm không chỉ về nội dung kinh tế mà còn cả nội dung về môi trường. GDP xanh là phần còn lại của GDP thuần sau khi đã trừ các chi phí để khử chất thải từ sản xuất, tiêu dùng, chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế.

Theo thông lệ quốc tế, hiện nay, GDP được tính toàn bộ kết quả đã làm ra không loại trừ phần tài nguyên mà con người đã khai thác và không loại trừ chi phí cần thiết để khôi phục lại môi trường. Còn GDP xanh thì khác. Chỉ tiêu GDP xanh ra đời với mục đích chính để đánh giá chi phí của thiệt hại môi trường với tiêu thụ và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đến GDP thuần. Như vậy, chỉ tiêu GDP xanh sẽ phản ánh được thực chất phát triển kinh tế của một quốc gia trên cả ba mặt: kinh tế, xã hội và môi trường.

Việc xác định chỉ tiêu GDP xanh hiểu theo nghĩa rộng chính là “hạch toán chi phí môi trường” hay còn gọi là “hạch toán xanh”. Cho dù được gọi theo thuật ngữ nào đi chăng nữa thì về thực chất đây là việc tính đúng, tính đủ các chi phí liên quan tới hoạt động bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm ở cấp độ doanh nghiệp hay đó là việc thay đổi cách thể hiện trong hệ thống tài khoản quốc gia SNA (System of National Acounts).

Theo đó, có bổ sung thêm vai trò của môi trường vào kết quả hoạt động nói chung của nền kinh tế. Nói cách khác, trước kia, trong hàm sản xuất Cobb - Douglas truyền thống (Q = AKαLβ ) thường chỉ bao gồm các yếu tố vốn, lao động, công nghệ, thì hiện nay cần bổ sung thêm cả yếu tố môi trường như một yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất.

Hạch toán GDP trong SNA chưa thể hiện đầy đủ những chi phí liên quan tới bảo vệ môi trường cũng như chưa phản ánh hết sự xuống cấp, suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên do các hoạt động kinh tế - đời sống của con người gây ra. Một trong những nhược điểm của hạch toán GDP trong SNA truyền thống là: Chưa thể hiện đầy đủ các khoản chi phí có liên quan tới bảo vệ môi trường và suy thoái tài nguyên.

Việc tính toán chỉ tiêu GDP xanh hay nói rộng ra là hạch toán môi trường trong Hệ thống tài khoản kinh tế về môi trường (SEEA) về cơ bản dựa trên hạch toán GDP trong SNA. Tuy nhiên, hạch toán GDP xanh trong SEEA đã trừ phần khấu hao tài sản cố định đồng thời có bổ sung thêm những thông tin về tài sản môi trường dưới dạng hiện vật và giá trị, về quá trình sử dụng tài sản đó vào sản xuất, tiêu dùng của hộ dân cư và xã hội. Hay hạch toán GDP trong SEEA đã thể hiện khá đầy đủ những chi phí liên quan tới bảo vệ môi trường cũng như phản ánh sự xuống cấp, suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên do các hoạt động kinh tế - đời sống của con người gây ra.

Nội dung và phương pháp hạch toán GDP xanh

Nội dung GDP xanh

Với chỉ tiêu GDP xanh người ta phải loại trừ phần thiệt hại tài nguyên, khấu trừ những chi phí để phục hồi môi trường. Trong SNA - 1993 có nêu ra Hệ thống tài khoản kinh tế về môi trường (SEEA) mang tính chất tổng quát. Theo đó, tài sản không do sản xuất nguồn tự nhiên là loại tài sản liên quan đến môi trường. Do đó, theo nguyên tắc này, có 2 nhóm trong cấu trúc của hệ thống SEEA:

- Nhóm thứ nhất, ghi ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế lên các tài sản không do sản xuất nguồn tự nhiên như nước, không khí, rừng nguyên sinh…

- Nhóm thứ hai, gồm các khoản mục về sử dụng các tài sản không do sản xuất nguồn tự nhiên làm cho nó cạn kiệt hoặc xuống cấp và tích luỹ các tài sản không do sản xuất nguồn tự nhiên.

Tuy nhiên, trong SNA chưa nêu nội dung và phương pháp tính của tài khoản này mà coi như số tích luỹ và sử dụng ở đầu ra cân bằng với chi phí về tài nguyên và môi trường của đầu vào. Do đó, theo chúng tôi, để thể hiện được chính xác tăng trưởng kinh tế, Tổng cục Thống kê cần làm rõ nội dung của chỉ tiêu GDP xanh nhằm có cơ sở khoa học để đánh giá đúng đắn thực chất tăng trưởng GDP và để nhận biết rằng, khi tăng trưởng 1% GDP cần phải tái đầu tư lại để phục hồi môi trường sống bao nhiêu trong số đó? Đây là căn cứ quan trọng để xác định mức thuế môi trường cho các lĩnh vực kinh tế.

Hiện nay, một số quốc gia có trình độ phát triển cao còn gắn tiêu dùng với môi trường. Họ chỉ nhập khẩu sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO 14000 (ISO 14000 là bộ tiêu chuẩn hướng tới các hoạt động về bảo vệ môi trường, bộ tiêu chuẩn ISO 14000 gồm nhiều nội dung khác nhau về môi trường như hệ thống quản lý môi trường, đánh giá vòng đời sản phẩm, nhãn sinh thái, xác định và kiểm toán khí nhà kính) mà theo đó quy trình sản xuất phải gắn với việc bảo vệ môi trường để tạo ra sản phẩm xanh.

Phương pháp hạch toán GDP xanh

Mô hình SEEA mở rộng và bổ sung các tài khoản nguồn lực tự nhiên theo luồng và khối với các tài khoản sản xuất và tài sản. Bằng việc tính các chi phí do suy giảm (cả về mặt trữ lượng và giá trị) các nguồn tự nhiên không sản xuất được do các hoạt động kinh tế gây ra.

Trong SEEA, các đẳng thức được điều chỉnh tương ứng, gắn với chi phí do những tổn thất và do sự xuống cấp môi trường mà các hoạt động kinh tế - xã hội gây ra. Theo đó, đẳng thức nguồn và sử dụng được điều chỉnh bằng việc dựa vào đó đại lượng IC - vừa là chi phí môi trường, nhưng đồng thời cũng chính là sự tổn thất và sự xuống cấp môi trường do hoạt động kinh tế gây ra.

Theo đó, đã có hai khoản được bổ sung vào SNA truyền thống dưới dạng hiện vật và giá trị, đó là:

Thứ nhất, sự tiêu hao tài sản môi trường do hoạt động kinh tế gây ra, thể hiện ở “tiêu dùng vốn tài nguyên thiên nhiên”, bao gồm các loại tài nguyên như nước, đất, rừng… Đây là những loại tài sản thường không được thể hiện trong tài sản kinh tế của SNA.

Thứ hai, những chi phí môi trường mà các ngành kinh tế và hộ gia đình đã chi trả cho việc sử dụng các tài sản môi trường trong quá trình sản xuất, làm cho các tài sản đó cạn kiệt, xuống cấp. Những khoản chi phí này thể hiện ở “chi phí môi trường của ngành kinh tế (ECi)” và “chi phí môi trường của hộ gia đình (ECh)”. Trên cơ sở hai khoản mục đó, một số chỉ tiêu kinh tế được điều chỉnh lại như: “tổng tích luỹ tài sản (CF)” được chuyển thành “Tổng tích luỹ tài sản có gắn với môi trường (ECF)”; “Giá trị gia tăng thuần (NVA)” được chuyển thành “Giá trị gia tăng thuần có tính tới môi trường (EVA)”; “Tổng sản phẩm trong nước thuần (GDP)” chuyển thành “Tổng sản phẩm trong nước thuần có tính tới môi trường (GDP xanh)”.

Phân loại thiệt hại tài nguyên và môi trường để xác định tổng thiệt hại trong GDP xanh

Thiệt hại tài nguyên và môi trường có thể chia ra thành thiệt hại ẩn và thiệt hại hiện.

- Thiệt hại ẩn: Là những thiệt hại làm tổn thất đến tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống mà chúng ta không thể quan sát được, không thể tính thành tiền các thiệt hại một cách cụ thể như: Ô nhiễm không khí; Làm đột biến gien cây trồng hoặc vật nuôi; Làm thay đổi cấu tầng đất; Gây ra tình trạng thay đổi khí hậu, thời tiết: mưa lụt, hoặc nắng hạn gây ra cháy rừng; nước mặn xâm thực sâu vào đất liền, sa mạc hóa ảnh hưởng đến diện tích gieo trồng, nuôi thả tôm, cá nước ngọt; Ô nhiễm nguồn nước thải làm chậm phát triển cây trồng hoặc vật nuôi; Nhiễm bẩn nguồn nước phục vụ cho sản xuất hoặc sinh hoạt của dân cư do sử dụng nhiều hoá chất trong nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, thuốc tẩy, nhuộm, thuộc da trong công nghiệp...

- Thiệt hại hiện: Là thiệt hại làm tổn hại đến môi trường mà ta có thể quan sát được và có thể tính thành tiền các thiệt hại như: Lượng tài nguyên (gỗ, khoáng sản kim loại và phi kim loại đã khai thác); Diện tích rừng bị cháy; Diện tích rừng bị chặt hạ; Diện tích đất bị rửa trôi lớp đất màu; Khối lượng đất màu bị rửa trôi; Diện tích rừng đầu nguồn bị chặt phá; Diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn do sử dụng đất không đúng kỹ thuật, không đúng quy hoạch (như tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ trồng lúa sang nuôi tôm nước mặn); Diện tích đất bị bạc màu do bón nhiều phân hoá học; diện tích đất bị sa mạc hóa...

Đối với hoạt động công nghiệp, thiệt hại hiện còn được biểu hiện như: Lượng chất thải nước cần phải xử lý; Lượng chất thải rắn cần phải xử lý; Lượng chất thải khí cần phải xử lý; Diện tích cây trồng bị chết do chất thải công nghiệp (ví dụ: Do khí thải của các lò gạch, do chất thải của nhà máy hoá chất, xăng dầu tràn ra làm chết cây trồng, làm ô nhiễm nguồn nước, làm cho đất không thể trồng trọt được); Diện tích nuôi trồng thuỷ, hải sản bị thiệt hại do sản xuất công nghiệp gây ra: Nước thải, khí thải bị ô nhiễm nặng không được xử lý mà thải trực tiếp ra sông, ngòi, biển... gây tác động xấu đến kết quả của các hoạt động nuôi trồng hoặc đánh bắt thuỷ, hải sản…; Ảnh hưởng việc phát triển thuỷ điện đến sự thay đổi quy mô đất dùng vào sản xuất nông lâm, công nghiệp...

Vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong phát triển bền vững và tăng trưởng xanh

Để nền kinh tế quốc dân phát triển tốt, ổn định và bền vững thì cần có một môi trường thuận lợi. Ngày nay, bảo vệ môi trường đi đôi với phát triển bền vững được coi là một chính sách cơ bản của một quốc gia và đó cũng là trách nhiệm của mọi doanh nghiệp, với mỗi người dân đối với toàn xã hội. Chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn là hướng đi bắt buộc và sống còn không chỉ riêng doanh nghiệp, mà cho cả nền kinh tế của quốc gia trong bối cảnh thế giới định hình về “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBMA) và các loại thuế môi trường liên quan được áp dụng ở châu Âu và nhiều nước là đối tác thương mại khác của Việt Nam. Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu sự đánh giá về cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất và chịu thêm thuế nếu không bảo đảm được yêu cầu đặt ra.

Để thích ứng với xu thế phát triển xanh và bền vững, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.

Với tư cách là cơ quan kiểm tra tối cao đối với tài chính công, tài sản công, Kiểm toán nhà nước (KTNN) có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá và xác nhận xem các doanh nghiệp hay dự án, chương trình đã tác động đến môi trường như thế nào và đã có những giải pháp, kế sách gì để phòng ngừa, giảm thiểu hay khắc phục những tác động xấu đến môi trường mà hoạt động của họ đã gây ra. Bên cạnh đó, KTNN còn có trách nhiệm đảm bảo cho sự hoạt động thông suốt và hữu hiệu của hệ thống quản lý môi trường thông qua việc kiểm toán đối với các cơ quan Chính phủ dưới góc độ đánh giá việc thực thi các nghĩa vụ môi trường của các bộ, ngành, địa phương đó.

Với tư cách là một bộ phận cấu thành của hệ thống quản lý vĩ mô và là cơ quan kiểm tra tài chính cao nhất, KTNN có một vai trò không thể thay thế được và duy nhất trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường thông qua việc thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường.

Kiểm toán môi trường được hiểu là nội dung kiểm toán, là việc kiểm toán các vấn đề, chính sách, chương trình và kinh phí liên quan đến môi trường của Chính phủ và kiểm toán viên có thể thực hiện kiểm toán môi trường dưới cả ba loại hình kiểm toán trên, trong đó kiểm toán hoạt động về kiểm toán môi trường được khuyến cáo ưu tiên hàng đầu.

Kiểm toán tài chính các vấn đề về môi trường có thể tập trung vào một số nội dung như kiểm tra, đánh giá các số liệu tài chính và đưa ra ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính; các trách nhiệm tài chính của Chính phủ; Kiểm toán tuân thủ các vấn đề về môi trường có thể tập trung vào tính tuân thủ, phù hợp các luật, các hiệp định và các chính sách về môi trường của các cấp chính quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế;

Kiểm toán hoạt động về kiểm toán môi trường có thể gồm các nội dung đảm bảo các tiêu chí thực hiện phản ánh đúng hoạt động của đơn vị; đảm bảo việc quản lý môi trường được thực hiện trên phương diện hiệu quả, hiệu lực và kinh tế.

Ở đây có thể kể đến một số nội dung, lĩnh vực mà KTNN có thể thực hiện kiểm toán môi trường: Quản lý năng lượng và tiết kiệm trong việc sử dụng; quản lý tài nguyên khoáng sản và việc chấp hành các quy định; quản lý và sử dụng đất, rừng, thủy hải sản; quản lý nguồn nước và tính kinh tế trong việc sử dụng; chất thải, quản lý chất thải và tiêu hủy chất thải; giảm ô nhiễm tiếng ồn, hệ thống đánh giá và kiểm tra tiếng ồn; ô nhiễm không khí và chất lượng không khí; giao thông và phương tiện di chuyển; đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống quản lý môi trường, phát triển bền vững. Kiểm toán môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc xác nhận GDP xanh thực tế của quốc gia và chi phí thực tế của doanh nghiệp.

Xét trên góc độ vĩ mô, thực tế cho thấy, có nhiều quốc gia do theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP đã phải đối mặt với những hậu quả khôn lường về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Theo xu thế phát triển bền vững, việc tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn bằng mọi giá mà bất chấp gia tăng ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến sức khỏe người dân, dần dần được coi là không thể chấp nhận được và sẽ bị loại bỏ.

Do đó, việc tiến hành các cuộc kiểm toán môi trường sẽ buộc doanh nghiệp phải tính toán các chi phí tài nguyên môi trường, từ đó phải tính lại giá thành sản phẩm cũng như giá trị GDP. Qua đó, KTNN cần tính toán xem để tăng trưởng 1% GDP cần phải tái đầu tư lại để phục hồi môi trường sống bao nhiêu trong số đó? Đây là căn cứ quan trọng để KTNN kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xác định mức thuế môi trường cho các lĩnh vực kinh tế một cách tương xứng và phù hợp.

Với tư cách là công cụ quản lý quan trọng trong hệ công cụ quản lý của một quốc gia, KTNN phải là lực lượng nòng cốt đảm nhiệm kiểm toán môi trường để thấy được bức tranh tổng thể về tình hình quản lý và bảo vệ môi trường của Quốc gia cũng như của các khu vực trọng điểm, trên cơ sở đó cung cấp thông tin cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý chức năng đưa ra những quyết định quản lý vĩ mô kịp thời và phù hợp.

Qua kiểm toán, KTNN sẽ đưa ra các kết luận, đánh giá và kiến nghị cụ thể về việc xây dựng và thực hiện các chính sách, quy định để phòng chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường của Quốc gia, cũng như từng đơn vị, tổ chức; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong việc sử dụng các nguồn kinh phí môi trường của Chính phủ đồng thời đánh giá tính hợp lý đúng đắn của các Báo cáo quyết toán các nguồn kinh phí này, từ đó góp phần phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo

  1. Thông tin “GDP xanh thước đo chất lượng tăng trưởng bền vững”, Trung tâm Thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
  2. Vấn đề hạch toán môi trường trong tài khoản quốc gia, Chủ biên Vũ Xuân Nguyệt Hồng – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, NXB Khoa học – Kỹ thuật, Hà Nội – 2004;
  3. Phương pháp biên soạn Hệ thống tài khoản quốc gia ở Việt Nam, NXB Thống kê, Hà Nội – 2003;
  4. United Nations and United Nations Environmental Program (UNEP). “Integrated Environmental and Economic Accounting: An Operational Manual”, Handbook for National Accounting, United Nations, New York, 2000;
  5. United Nations “Integrated Environmental and Economic Accounting. Handbook of National Accounting”. Studies in Methods, No. 61, 1993;
  6. Takahiro Akita. And Noichi Nakamura “Green GDP Estimates in China, Indonesia, and Japan: An Application of the UN Environmental and Economic Accounting System”, January 2000;
  7. E’ YusufJ. Ahnad Salahi El Serafy Ernst Lutz 1989: Environmental Accoulnting for Sustainable Development – A UJiNEP-World Bank Symposium;
  8. https://SEEA.UN.org : About SEEA
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2024