Giá dầu giảm hơn 6% trước những tín hiệu tiêu cực từ nhóm OPEC+

Theo Thanh Thắng/nhadautu.vn/CNBC

Giá dầu đã sụt giảm ngay sau khi nhóm OPEC+ tuyên bố trì hoãn cuộc họp dự kiến ​​vào ngày thứ Hai, qua đó làm dấy lên lo ngại về việc cắt giảm sản xuất có thể phải đối mặt với những trở ngại.

Giá dầu đã sụt giảm ngay sau khi nhóm OPEC+ tuyên bố trì hoãn cuộc họp dự kiến ​​vào ngày thứ Hai. Nguồn: internet
Giá dầu đã sụt giảm ngay sau khi nhóm OPEC+ tuyên bố trì hoãn cuộc họp dự kiến ​​vào ngày thứ Hai. Nguồn: internet

Dầu thô WTI của Mỹ đã giảm 6,49% để giao dịch ở mức 26,50 USD/thùng, trong khi dầu thô Brent chuẩn quốc tế giảm 4,19% xuống còn 32,68 USD/thùng.

Giá dầu đã tăng mạnh vào tuần trước vì Ả Rập Xê Út đã kêu gọi một cuộc họp giữa OPEC và các đồng minh, một tín hiệu tích cực có thể thúc đẩy tiến trình cắt giảm sản lượng.

Cuộc họp tổ chức vào tháng ba đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào sau khi Nga từ chối mức cắt giảm 1,5 triệu thùng mỗi ngày mà Ả Rập Xê Út đã đề xuất. Điều này đã khởi đầu một cuộc chiến giá cả giữa hai nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới.

Cuộc họp vào ngày thứ Hai được lên lịch trình sau khi Tổng thống Donald Trump nói với CNBC hôm thứ Năm rằng ông dự kiến ​​Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman sẽ sớm công bố thỏa thuận cắt giảm sản lượng lên tới 15 triệu thùng.

Mặc dù vậy, căng thẳng giữa Ả Rập Xê Út và Nga đã leo thang vào thứ Sáu, qua đó khiến cuộc họp này được bị trì hoãn và dự kiến được tổ chức vào ngày thứ Năm tuần này.

Cả Ả Rập Xê Út và Nga đã tìm kiếm sự hợp tác của Mỹ trong việc cân bằng nguồn cung dầu trên thế giới. Iraq, nhà sản xuất lớn thứ hai của OPEC, sau Ả Rập Xê Út, cũng kêu gọi các hành động trên toàn cầu.

Vào Chủ nhật, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết, liên minh 14 thành viên và các đồng minh của họ cần sự hỗ trợ từ các nhà sản xuất bên ngoài OPEC+. Tuyên bố của ông cũng đề cập cụ thể đến Mỹ, Canada và Na Uy.

Hiện tại, các mỏ dầu của Mỹ vẫn đang bơm gần mức kỷ lục trong khi thế giới đang đạt đến giới hạn lưu trữ dầu.

Các giám đốc điều hành dầu mỏ của Mỹ đã gặp tổng thống vào thứ Sáu tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào được đưa ra trong cuộc họp khi Tổng thống Donald Trump dường như chỉ lưu ý về việc điều chỉnh giá cả.

Nhưng ngay cả khi đạt được thỏa thuận, nhiều ý kiến cho rằng giá sẽ ở mức thấp hơn trong thời gian dài hơn do sự tàn phá chưa từng có của đại dịch COVID-19. Nói cách khác, phía cung là một 'câu chuyện thứ yếu' đối với nhu cầu trên toàn cầu.

"Ngành năng lượng trên toàn cầu đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năng lượng năm 1981-1995. Về phía dầu mỏ, nhu cầu đang sụt giảm rất mạnh do COVID-19 trong khi nguồn cung đang tăng vì cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập và Nga", ông Kurt Hallead, đồng trưởng nhóm nghiên cứu năng lượng toàn cầu của RBC cho biết.