Giá dầu tăng trở lại sau những tín hiệu tích cực từ Tổng thống Donald Trump
Giá dầu đã tăng vọt vào thứ Năm sau khi Tổng thống Donald Trump nói rằng Ả Rập Xê Út và Nga sẽ giảm bớt áp lực đối với dầu mỏ, qua đó chấm dứt một cuộc chiến về giá đã góp phần làm cho giá dầu thô giảm mạnh.
Giá dầu thô WTI đã tăng 24,4%, tương đương 4,99 USD để giao dịch ở mức 25,30 USD/thùng. Trong khi đó dầu thô Brent chuẩn quốc tế đã tăng 22%, tương đương 5,46 USD, để giao dịch ở mức 30,21 USD/thùng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với CNBC hôm thứ Năm rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Putin và Hoàng tử Ả Rập Xê Út. Ông Trump hy vọng họ sẽ sớm công bố quyết định cắt giảm sản lượng dầu với 10 triệu thùng hoặc có thể lên tới 15 triệu.
Tổng thống sau đó đã tweet rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ là "tuyệt vời cho ngành công nghiệp dầu khí!" Bình luận của ông Trump được đưa ra trước thềm một cuộc họp giữa các lãnh đạo điều hành ngành năng lượng dự kiến vào ngày thứ Sáu.
"Những ảnh hưởng của nó sẽ chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Khi đại dịch COVID-19 vẫn tồn tại, sẽ có một lượng dầu dư thừa đáng kể được tạo ra mỗi ngày. Sẽ rất tuyệt vời khi chúng ta thoát khỏi virus và hy vọng cung cầu về dầu có thể trở lại cân bằng tại thời điểm đó", Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Dallas, ông Robert Kaplan nói.
Các chi tiết về việc cắt giảm sản xuất vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC, bà Helima Croft đã lưu ý rằng Mỹ có thể phải từ bỏ một điều gì đó để đáp lại quyết định này.
"Những gì chúng ta biết là Ả Rập Xê Út đã xem xét điều này qua hiện thực của cuộc khủng hoảng tài chính và tin rằng họ cần một phản ứng tương xứng. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có thể làm được điều đó hay không? Chúng tôi biết có một cuộc họp khẩn cấp của OPEC. Họ sẽ tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy sản xuất của Mỹ đang bị giới hạn. Không chỉ vậy, họ sẽ theo dõi thêm những gì xảy ra với Ủy ban Đường sắt Texas và với Canada", bà Croft nói.
Các nước OPEC dẫn đầu bởi Ả Rập Xê Út đã đề xuất vào tháng trước về việc cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng mỗi ngày khi nhu cầu suy yếu. Tuy nhiên, đồng minh của OPEC là Nga đã bác bỏ việc cắt giảm, gây ra cuộc chiến giá cả giữa hai nhà sản xuất hàng đầu. Việc cắt giảm sản lượng trước đây đã hết hạn vào ngày 31/3.
Ngay lập tức, một cú sốc cho cả phía cung và cầu đã khiến giá dầu giảm mạnh. Vào ngày 6/3, dầu thô Mỹ đã giao dịch trên 41 USD mỗi thùng. Tuy nhiên, kể từ đó, dầu thô đã mất khoảng một nửa giá trị của nó.
Cũng trong ngày thứ Năm, giá dầu thô cũng đã có một sự thúc đẩy sau khi Bloomberg News đưa tin rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu mua dầu để dự trữ khẩn cấp.