Giá điện tăng có thể đẩy CPI tăng thêm khoảng 0,76%’

Hồng Hà - NDHMoney

“Nếu tính tác động đến các vòng thiếp theo và cả các yếu tố tâm lý kỳ vọng thì giá điện tăng có thể đẩy CPI tăng thêm khoảng 0,76%”.

Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã cho biết như vậy khi nói về tác động của việc tăng giá điện đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Từ ngày 1/3, giá điện sẽ tăng 15,28%, theo ông, việc này sẽ có ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm và mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá điện đến toàn bộ nền kinh tế?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Nếu áp dụng theo giá mới thì giá điện tăng bình quân là 165 đồng/KWh, đó là giá điện chưa được tính đủ, còn phải khoanh lại khoảng 27.917 tỷ đồng chi phí phát sinh từ năm trước để phân bổ dần cho các năm sau - chưa tính theo tỷ giá mới điều chỉnh, Nhà nước lùi khấu hao tài sản của ngành điện và không tính lợi nhuận…

Giá điện tăng đương nhiên tác động làm tăng giá thành sản phẩm và giảm lợi nhuận của các ngành sử dụng điện. Nhưng tăng giá thành, giảm lợi nhuận bao nhiêu còn phụ thuộc vào việc quản lý, sắp xếp sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của từng đơn vị trong nền kinh tế.

Đối với các hộ nghèo, theo tiêu chí mới Nhà nước vẫn có chính sách hỗ trợ đối với 50Kwh đầu tiên của điện sinh hoạt. Giá điện tăng sẽ tác động làm CPI tăng trực tiếp của vòng 1 về lý thuyết khoảng 0,38%. Nếu tính tác động đến các vòng thiếp theo và cả các yếu tố tâm lý kỳ vọng thì có thể tỷ lệ tăng chung khoảng 0,76%.

Tỷ giá tăng, giá điện cũng chuẩn bị tăng đã khiến cho người dân lo ngại sự cộng hưởng trên sẽ làm tăng giá trên rất nhiều những mặt hàng khác.  Bộ sẽ có phương án quản lý như thế nào trong thời gian tới để các mặt hàng không tăng giá đồng loạt?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Chúng ta đang thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá theo pháp luật, tránh quan điểm áp đặt giá chủ quan “neo giá” để giá cả hàng hóa, dịch vụ ở mức cao không hợp lý, bất chấp sự giảm giá trên thị trường (trong nước và thế giới), hoặc cố định giá ở thị trường trong nước quá thấp bất hợp lý khi giá thị trường thế giới đã tăng và các yếu tố hình thành giá đã thay đổi.

Nhưng đồng thời cũng phải tránh quan điểm thả nổi hoàn toàn giá trong nước, để giá thị trường trong nước chịu sự tác động tự do, tự phát hoàn toàn của thị trường thế giới.

Đối với các mặt hàng Nhà nước đang định giá hoặc kiểm soát giá bằng những hình thức thích hợp (điện, than, xăng, dầu…) cũng phải tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường trong thời gian sớm nhất.

Lựa chọn phương án điều chỉnh tăng có mức độ kiềm chế, tránh đảo lộn kinh tế vĩ mô, không đẩy CPI lên quá cao. Thời gian điều chỉnh giá đối với những mặt hàng đó cần tránh tập trung điều chỉnh tập trung vào cùng thời điểm nhằm giảm thiểu tác động cộng hưởng gây hiệu ứng đẩy giá hàng hóa, dịch vụ khác tăng. Đi liền với nó là phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về quản lý giá để có những biện pháp điều tiết phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi đến mặt bằng giá chung.

Sau khi tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng thêm 9,3% đã khiến nhiều mặt hàng, đặc biệt là các loại hàng hóa liên quan đến nhập khẩu tăng giá cao. Công tác điều hành giá cả của Bộ Tài chính đối với vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Việc tỷ giá được điều chỉnh tăng, đó là một trong các yếu tố đầu vào của hàng nhập khẩu có biến động; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh họ thực hiện việc rà soát tính toán lại chi phí sản xuất kinh doanh là bình thường.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có bán được hàng theo mức chi phí đã tăng lên hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhu cầu, sức mua và khả năng cạnh tranh. Để tránh hiện tượng lợi dụng việc tăng tỷ giá để tăng giá quá mức thì các cơ quan có trách nhiệm phải kiểm soát qua các biện pháp kiểm soát các yếu tố hình thành giá của các phương án giá, kiểm soát việc đăng ký giá, kê khai giá.

Cụ thể là: đối với những mặt hàng Nhà nước còn định giá nếu doanh nghiệp đề nghị tăng giá thì Nhà nước sẽ kiểm soát lý do tăng giá là gì, nếu lý do không hợp lý thì yêu cầu chưa tăng. Đối với các mặt hàng phải đăng ký giá, nếu lý do tăng giá không đúng thì cũng phải tính toán lại… và kiên quyết loại trừ các yếu tố tăng giá không hợp lý.

Bên cạnh đó, biện pháp kiểm soát chi cũng phải được kiểm soát đồng bộ, nhất là chi tiêu từ ngân sách Nhà nước; không bổ sung thêm kinh phí cho chi phí tăng thêm, yêu cầu các cơ quan, tổ chức tiết kiệm kinh phí này; rà soát cắt giảm các công trình, các khoản chi chưa thực sự cấp bách… để góp phần giảm bội chi ngân sách.

Xin cảm ơn ông!