Giá khí đốt tại châu Âu thiết lập kỷ lục mới
Giá bán buôn khí đốt tại thị trường châu Âu lại thiết lập mức cao kỷ lục mới. Theo đó, giá khí đốt hợp đồng tương lai giao tháng 9 tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan tăng 14,6%, đứng ở mức 280,24 euro/MWh. Cùng thời điểm này năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu được giao dịch dưới 27 euro/MWh.
Tại châu Âu, giá khí đốt liên tiếp tăng mạnh một phần do nguồn cung khí đốt của Nga qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sang thị trường này bị gián đoạn. Nga thông báo sẽ tạm dừng cung cấp khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 trong ba ngày dự kiến từ ngày 31/8-2/9 để bảo trì. Ngay cả sau khi kết thúc bảo trì, lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Dòng chảy phương Bắc 1 cũng chỉ đạt 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất.
Trong bối cảnh lo ngại về sự sụt giảm nguồn cung khí đốt đang gia tăng, châu Âu tiếp tục đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng do các hư hại trong hệ thống đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan qua Nga, được Caspian Pipeline Consortium (CPC) thông báo vào ngày 22/8. Theo CPC, hoạt động nạp dầu tại hai trong ba điểm neo tại một trạm ở Biển Ðen đã bị ngưng trệ do hư hỏng tại các điểm nối của ống bọc dưới nước với các bể chứa nổi.
Chính phủ Bulgaria đang tìm cách đối thoại với hãng năng lượng Gazprom của Nga để nối lại hoạt động vận chuyển khí đốt tự nhiên trước khi mùa đông tới. Bulgaria gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Nga để bảo đảm mức tiêu thụ khí đốt hằng năm. Trước đó, Chính phủ Bulgaria đã đẩy nhanh việc hoàn tất xây dựng đường ống mới nối với quốc gia láng giềng Hy Lạp để vận chuyển 1 tỷ m3 khí đốt kể từ tháng 10. Bulgaria cũng đàm phán để vận chuyển khí hóa lỏng từ Mỹ. Cho đến nay, các đợt vận chuyển khí đốt mới chỉ đáp ứng đầy đủ cho mức tiêu thụ của tháng 9 và một phần của tháng 10.
Người dân châu Âu đứng trước nguy cơ đối mặt với một mùa đông khó khăn do thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga. Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra kế hoạch khẩn cấp nhằm kêu gọi các nước thành viên giảm sử dụng 15% nhu cầu khí đốt cho đến tháng 3/2023. Trước khi leo thang căng thẳng vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền đông Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ tại EU.