Giá nhà ở quá cao, gấp 8 - 10 lần thu nhập của hộ gia đình

Theo Phương Dung/baodantri.vn

Chuyên gia chỉ ra rằng, có những dự án nhà ở phù hợp nhưng giá cao gấp 8-10 lần tổng thu nhập của 1 hộ gia đình/năm. Đây là một chỉ số khá cao trong bối cảnh nhu cầu nhà ở đang vô cùng bức thiết như hiện nay.

Giá nhà ở quá cao trong khi nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân. Nguồn: internet
Giá nhà ở quá cao trong khi nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân. Nguồn: internet

Phát biểu tại hội thảo về phát triển nhà ở xã hội diễn ra sáng ngày 23/1, ông Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) cho rằng, giá nhà ở quá cao, nhiều người dân đặc biệt là người thu nhập thấp khó tiếp cận.

"Có những dự án nhà ở phù hợp nhưng giá cao gấp 8-10 lần tổng thu nhập của 1 hộ gia đình/năm. Đó là chỉ số khá cao", ông Quang nói.

Bên cạnh đó, ông Quang cũng chỉ ra rằng, nhà ở có thể nói là một phần của quá trình đô thị hoá và nếu phát triển lộn xộn, phi chính thức… sẽ làm bộ mặt đô thị hoá nhếch nhác. Tuy nhiên, thực tế hiện có tỷ lệ rất lớn nhà ở xây dựng chưa phù hợp, gây ảnh hưởng tới bộ mặt đô thị.

"Rồi về thể chế, quy hoạch, tiếp cận tài chính, hạ tầng, đất đai… liệu đã đảm bảo cho việc cung ứng nhà ở thích hợp với nhu cầu chưa? Thực tế còn nhiều vấn đề", ông nói thêm.

Theo Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị Trần Hữu Hà, Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có 70% dân số trong đội tuổi lao động (từ 15-19 tuổi).

"Đây được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước nhưng cũng là một áp lực không hề nhỏ đối với nhà ở, đặc biệt nhu cầu về nhà ở xã hội ngày càng trở nên bức thiết", ông Hà cho biết.

Về công tác phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở phục vụ an sinh xã hội, riêng trong năm 2018, đã hoàn thành khoảng 58 triệu m2 nhà ở, đưa diện tích bình quân nhà ở toàn quốc lên 24 m2 sàn/người (tăng 0,6% so với năm 2019). Các chương trình nhà ở phục vụ an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, thực hiện cơ bản đúng tiến độ.

Đặc biệt Chính phủ và Quốc hội đã bố trí đủ vốn để thực hiện dứt điểm Chương trình nhà ở cho người có công. Cả nước cũng đã, hoàn thành khoảng 5.800 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn khoảng 290.000 m2.

Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng bức thiết hơn. Theo Bộ Xây dựng, tính đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2/người) và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, để đáp ứng nhu cầu nhà ở hiện cần phải xây dựng khoảng 700 nghìn căn hộ.

Điển hình tại hai thành phố lớn (TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) đang bùng nổ nhu cầu nhà ở, trong khi quỹ đất để phát triển xây dựng nhà ở, giao thông và các dịch vụ tiện ích đều đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Đồng quan điểm, đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sinh cũng cho rằng, trong những năm qua, Chính phủ có nhiều chính sách, quy định nhằm phát triển nhà ở xã hội, các địa phương, bộ ngành vào cuộc nhưng kết quả sau một thời gian đến nay cũng phải nói "còn hạn chế, khiêm tốn chưa đạt kỳ vọng đặt ra".

Một số nguyên nhân được chỉ ra rằng, tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất ngày càng hạn hẹp nên việc lựa chọn nguồn cung về quỹ đất gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khu vực trung tâm.

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng chưa được kết nối giữa khu vực trung tâm và các vùng lân cận. Đây là một khó khăn lớn mà Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp tích cực hơn để phát triển hạ tầng kết nối như xe buýt, tàu điện,… Như vậy, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội xa trung tâm mới có thể khả thi.

Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn vốn, mặc dù nhà nước đã có hỗ trợ về đầu tư công, tuy nhiên việc bố trí chưa kịp thời cũng ảnh hưởng phần nào đến việc chậm trễ trong công tác triển khai. Tính đến hiện tại, nhu cầu là 1 triệu đơn vị nhà ở xã hội nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Đây là vấn đề cần phải nhìn nhận và đánh giá lại.