Gia tăng buôn lậu trên biển
Hàng trăm nghìn tấn dầu DO, than… không có nguồn gốc hợp pháp bị bắt giữ khi đang trong quá trình vận chuyển cho thấy buôn lậu trên tuyến biển có chiều hướng gia tăng.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động buôn lậu trên biển diễn ra ở một số loại mặt hàng gồm than, xăng dầu, thuốc lá... Riêng mặt hàng xăng dầu do lợi nhuận, cùng với việc tổ chức cung ứng chưa tốt của các công ty kinh doanh xăng dầu trong nước đã trở thành “miếng mồi ngon” cho đầu nậu trong nước cấu kết với các đối tượng người nước ngoài (Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia) sử dụng tàu, thuyền không treo cờ quốc tịch hoặc tàu cá hoán cải, gia cố thêm téc chứa bí mật để chứa dầu lậu mua của các tàu nước ngoài tại các vùng biển giáp ranh.
Một phần xăng dầu lậu được bán trực tiếp cho các tàu cá của ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ. Tinh vi hơn, các đầu nậu trong nước lập nhiều các tổ chức có tư cách pháp nhân kinh doanh xăng, dầu ở các địa phương, lợi dụng việc mua bán, vận chuyển giữa các công ty để hợp pháp hóa số dầu lậu mua từ nước ngoài về tiêu thụ trong nội địa. Mỗi khi tàu chở xăng, dầu lậu về đến vùng biển Việt Nam, lập tức thông báo cho các tàu nhỏ hơn ra địa điểm quy ước trước để sang mạn, chia nhỏ đưa vào đất liền, tàu ra nhận hàng mang theo hợp đồng, chứng từ mua bán khống giữa các công ty trong cùng hệ thống, sau khi nhận dầu, các đối tượng hoàn thiện hợp đồng, chứng từ phù hợp với lượng hàng vừa nhận để chuyển về kho hoặc mang đi tiêu thụ.
Riêng trong tháng 3-2016, các lực lượng chức năng gồm: Cảnh sát biển, Hải quan, Bộ đội Biên phòng và Công an đã phối hợp đấu tranh phát hiện, bắt giữ trên 287 ngàn lít xăng và gần 4,9 triệu lít dầu các loại. Trong đó có vụ việc DN núp dưới chiêu bài NK xăng, dầu chính ngạch nhưng mỗi lần NK đều cố tình khai báo số lượng hàng rất ít (chỉ bằng 1/3 – 1/5 số lượng thực tế) để gian lận trốn thuế đối với hàng chục triệu lít xăng, dầu trong thời gian dài.
Qua đấu tranh, lực lượng Cảnh sát biển nhận thấy, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng cung-cầu thị trường tăng cao và sự sơ hở của lực lượng chức năng để tăng tần suất vận chuyển trái phép hàng hóa. Nổi lên trên vùng biển Đông Bắc, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam có dấu hiệu gia tăng cả về số vụ và số đối tượng. Hoạt động này diễn ra trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác nhau như: Xăng dầu, khoáng sản, gỗ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, gia cầm, pháo nổ, thuốc lá điếu, ma túy. Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm liều lĩnh, tinh vi khó lường.
Để hợp thức hóa hàng lậu, các đối tượng quay vòng hồ sơ, hóa đơn, chứng từ vận chuyển trong nước đưa hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp đi tiêu thụ. Không những thế, phương tiện vận chuyển cũng được các đối tượng đầu tư kỹ lưỡng, thường là phương tiện có máy công suất lớn. Để đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, các đối tượng thường thay đổi tên và số phương tiện, tuyến hành trình, cho phương tiện chạy lòng vòng trên biển, chờ thời cơ tẩu tán hàng.
Điển hình là trong tháng 1/2016, tại khu vực biển giáp ranh Quảng Ninh – Hải Phòng, Cụm trinh sát số 1 kiểm tra tàu Sao Xanh 1, trên tàu có 4 người do ông Bùi Huy Thuyết, sinh năm 1972, quê Hà An, Yên Hưng, Quảng Ninh làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, tàu Sao Xanh 01 vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO (theo lời khai của ông Phạm Xuân Trường, đại diện hàng của công ty TNHH Minh Phú, địa chỉ Hải Long, Hạ Long, Quảng Ninh) không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số dầu trên.
Cũng tại vùng biển giáp ranh Quảng Ninh- Hải Phòng, Biên đội tàu 4003, xuồng 4009 tuần tra, kiểm soát truy đuổi 1 xuồng cao tốc, quá trình truy đuổi xuồng cao tốc vứt bỏ các bao tải xuống biển tẩu thoát ra ngoài hướng Vịnh Bắc bộ. Biên đội tổ chức vớt các bao tải lên phát hiện đó là thuốc lá ngoại nhãn hiệu 555 gồm 12 kiện, với 6.000 bao thuốc lá.
Trong thời gian tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu, đề xuất triển khai các Đoàn kiểm tra (do đồng chí Trưởng Ban, các đồng chí Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm Trưởng đoàn) đi kiểm tra, nắm tình hình tại các địa phương, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm. Trọng tâm kiểm tra kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các kế hoạch công tác địa phương, đơn vị đã xây dựng về lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; công tác điều tra, xử lý các vụ việc phức tạp, trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra tại các địa bàn thành phố, thị xã, huyện, khu kinh tế cửa khẩu... để nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của chính quyền, các lực lượng chức năng tại cơ sở để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động tuyên truyền của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng triển khai các phương án, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý; xác lập các chuyên án, kế hoạch đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm để tổ chức phối hợp bắt giữ đảm bảo kịp thời, hiệu quả.