Gia tăng chất và lượng hàng hóa chứng khoán để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Ngoài mục tiêu nâng hạng thị trường để đón dòng vốn ngoại, thị trường chứng khoán Việt Nam cần mở rộng nhiều sản phẩm hàng hóa hơn, với chất lượng cao hơn.
Chưa có nhiều lựa chọn mới
Theo bà Lê Thị Lệ Hằng - Giám đốc chiến lược Công ty chứng khoán SSI, trong những năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam không có nhiều lựa chọn mới. Đơn cử như, rổ VN30 đến nay chưa có thêm doanh nghiệp mới nào. Điều này dẫn đến việc, nhà đầu tư nước ngoài, dù muốn phân bổ nhiều vốn vào thị trường Việt Nam, vẫn sẽ phải chờ, cũng như chờ được “nới room” để có nhiều thanh khoản hơn.
“Thật sự, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Khi đó, Hội đồng đầu tư của họ sẽ nâng tỷ lệ đầu tư vào Việt Nam”, bà Hằng chia sẻ.
Bà Hằng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, ước tính khối ngoại đã rút ròng khoảng 2 tỷ USD. Ngược lại, nếu thị trường được nâng hạng sẽ thu hút được khoảng 2 tỷ USD tiền vào. Trường hợp nhà đầu tư thấy được khả năng lên hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng theo tiêu chí của FTSE hoặc MSCI thì họ có thể đi trước một bước, chủ động tham gia thị trường ngay lập tức.
“Tất nhiên, điều này còn phải phụ thuộc xem chúng ta có nhiều câu chuyện mới như chất lượng hàng hóa, có thêm hàng hóa mới hay không”, bà Hằng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp phải nhiều hạn chế khi bắt buộc phải ký quỹ 100% trước giao dịch. Điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi tiền chưa về đến nơi hoặc có thể do họ chưa kịp chuẩn bị được tiền hoặc chuyển tiền vào. Ngoài ra, tỷ lệ room nước ngoài chưa cao cũng là một rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam không có nhiều yếu tố mới và thú vị để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại.
“Việc thị trường Việt Nam chưa được nâng hạng cũng có tác động tới quyết định của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chưa kể hai năm gần đây có một số việc xảy ra ảnh hưởng đến nhận thức của họ về rủi ro”, ông Dominic Scriven nhận định.
Cần cải thiện chất lượng hàng hóa
Để giảm thiểu rủi ro, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường, các chuyên gia cho rằng một trong những yếu tố quan trọng là cần nâng thay đổi cơ cấu nhà đầu tư hợp lý hơn, đồng thời gia tăng số lượng hàng hóa và chất lượng các doanh nghiệp niêm yết.
Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) thừa nhận, thị trường chứng khoán đang không có nhiều cái mới, đặc biệt là hàng hóa. Sau nhiều năm, tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua vẫn chậm. Khâu chào bán ra công chúng cũng hạn chế, thiếu các doanh nghiệp, tập đoàn mới, “các món hàng cũ đã rất nhiều năm”.
“Trong khi đó, với các nhà đầu tư quốc tế, có được mức tăng trưởng 10% là họ đã có thể hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư và các thị trường trong khu vực như Indonesia, Malaysia đang đáp ứng tốt yêu cầu này”, ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thanh khoản thị trường cổ phiếu của Việt Nam cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. "Tuy nhiên, giống như quán ăn, nếu đồ ăn thiếu, phục vụ không tốt, khách hàng sẽ tới nơi khác", ông Hải nói.
Để gia tăng tốc độ phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp, bà Phạm Thị Thuỳ Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN cho biết, cơ quan này đang phối hợp cùng các sở giao dịch để áp dụng đăng ký giao dịch, niêm yết theo trình tự rút ngắn thời gian, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán và thu hút thêm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.