Gia tăng hợp tác với Singapore từ Hiệp định CPTPP
Ngoại trừ năm 2019 là năm CPTPP có hiệu lực với Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,5 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Từ 2020 đến nay, Singapore liên tục giữ vị trí quán quân.
Nửa thế kỷ quan hệ hợp tác
Hiệp định CPTPP là một nhân tố quan trọng thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Singapore. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Singgapore Lý Hiển Long đến Việt Nam từ 27 đến 29 tháng 8 vừa qua, hai bên đã nhất trí xem xét khả năng nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.
Nếu 2 nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, thì Singgapore sẽ là Đối tác chiến lược toàn diện thứ 7 của Việt Nam, sau Trung Quốc (năm 2008), Nga (năm 2012), Nhật Bản (năm 2014), Ấn Độ (năm 2016), Hàn Quốc (năm 2022), Hoa Kỳ (năm 2023), và sẽ là quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hàm ý rằng, các bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên mọi lĩnh vực mà các bên cùng có lợi, từ thương mại, đầu tư cho tới công nghệ, năng lượng... Đồng thời, các bên xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau ở cấp chiến lược.
Xét theo lịch sử, ngay sau khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (1/1973), Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào ngày 1/8/1973. Singapore cũng là một trong những nước ASEAN đầu tiên Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược cách đây 10 năm (9/2013).
Trải qua nửa thế kỷ thiết lập quan hệ, các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam (18/21 ngành). Tuy nhiên, chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo với 775 dự án và 28,6 tỷ USD (khoảng 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký), thứ 2 là kinh doanh bất động sản với 214 dự án, vốn đăng ký hơn 19,1 tỷ USD (26%), thứ 3 là sản xuất, phân phối điện, khí, điều hòa với 47 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 11,8 tỷ USD (16%). Theo địa bàn thì Singpore đã đầu tư tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, dẫn đầu là thành phố Hồ Chí Minh (19,3%), Hà Nội đứng thứ 2 (10,8%), thứ 3 là Bắc Ninh (7,6%), tiếp đó là Bình Dương (thủ phủ của VSIP), Long An, Quảng Nam.
Suốt nửa thế kỷ qua, với 3.274 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 73,5 tỷ USD, Singapore đứng vị trí thứ 2 trong số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ và dẫn đầu trong ASEAN về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Có thể kể 3 dự án tiêu biểu là: (i) dự án lớn nhất của Singapore tại Việt Nam là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (vốn đăng ký 4 tỷ USD); (ii) dự án công ty TNHH phát triển Nam Hội An, vốn đăng ký 4 tỷ USD; (iii) dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II, tổng đầu tư 3,1 tỷ USD.
Dẫn đầu nhờ hiệp định CPTPP
Trong quan hệ với Việt Nam, Singapore là một trong 4 quốc gia thuộc ASEAN (cùng với Việt Nam, Malaysia, Brunei) cùng tham gia vào hiệp định CPTPP. Từ khi hiệp định CPTPP có hiệu lực, Singapore nhanh chóng vươn lên dẫn đầu trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam. Ngoại trừ năm 2019 là năm hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,5 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Từ 2020 đến nay, Singapore liên tục giữ vị trí quán quân.
Cụ thể, năm 2020 Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Năm 2021, Singapore ở vị trí dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 11,4 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Năm 2022, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn lên đến 6,46 tỉ USD, chiếm 23,3% tổng FDI vào Việt Nam trong năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, trong số 64 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,62 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Với hiệp định CPTPP, Việt Nam ngày càng hấp dẫn FDI từ Singapore cũng như các đối tác CPTPP khác là do:
Thứ nhất, mặc dù nội dung cam kết trong CPTPP chủ yếu liên quan đến vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa, cắt giảm thuế quan, song vẫn có những điều khoản liên quan trực tiếp đến mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong các lĩnh vực đầu tư có cam kết, Việt Nam và các đối tác CPTPP đều khẳng định áp dụng những nguyên tắc quan trọng như không phân biệt đối xử giứa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, không áp dụng một số biện pháp ảnh hưởng đến các nhà đầu tư,… Bên cạnh đó, Việt Nam mở rộng thêm các lĩnh vực cho phép nhà đầu tư của các đối tác CPTPP được đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Những cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư rộng hơn dành cho các đối tác, cùng với các cam kết bảo hộ đầu tư, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư đã tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư từ Singapore cũng như các nước đối tác CPTPP vào Việt Nam.
Thứ hai, từ góc độ thể chế, chỉ sau 2 năm CPTPP có hiệu lực (tính đến hết năm 2020) đã có 18 văn bản pháp luật được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, với tiến độ thực hiện nhanh hơn so với quy trình thông thường. Chúng ta đã sửa đổi, bổ sung, ban hành thêm nhiều bộ luật như Luật Đầu tư (tháng 6/2020), Luật doanh nghiệp (tháng 6/2020), Luật Đấu thầu (tháng 6/2023),…. theo hướng minh bạch, cởi mở hơn. Bên cạnh đó Chính phủ Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, mà điển hình là thực hiện chuỗi Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.