Giá USD biến động mạnh

PV (Th)

Ngày 21/10, tỷ giá trung tâm USD/VND được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tại mức 23.688 đồng/USD, tăng 6 đồng so với phiên ngày 20/10, tăng nhẹ so với các phiên trước đó. Trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch trong phiên sáng 21/10 ở mức 24.900-25.100 đồng (mua vào - bán ra).

Đồng thuận với chính sách điều hành tỷ giá. Ảnh internet
Đồng thuận với chính sách điều hành tỷ giá. Ảnh internet

Diễn biến này đã đưa tỷ giá mua và bán USD tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh so với phiên cuối tuần trước. Tính đến nay, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đều đã vượt mức 24.000 VND/USD so với đầu năm, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng tới 6-7%.

Tại khối ngân hàng thương mại, trong phiên giao dịch ngày 21/10, đồng USD tiếp tục được điều chỉnh tăng. Tại Vietcombank, giá được điều chỉnh ở mức 24.440-24.750 đồng (mua vào - bán ra), tăng 50 đồng chiều mua vào, 80 đồng chiều bán ra so với phiên đầu giờ sáng.

Tại ACB, tỷ giá USD cuối phiên giao dịch sáng nay được điều chỉnh ở mức 24.400-24.850 đồng (mua vào - bán ra), tăng 50 đồng chiều mua vào và tăng 150 đồng chiều bán ra. Eximbank mua vào lên 24.600 - 24.620 đồng/USD, bán ra 24.870 đồng; BIDV tăng mạnh 60 đồng lên 24.470-27.750 đồng/USD. VietinBank niêm yết 24.455-34.755 đồng/USD. Thậm chí, ACB đã nâng tỷ giá USD lên mức 24.400-24.800 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch trong phiên sáng 21/10 ở mức 24.900-25.100 đồng (mua vào - bán ra), sau đó cuối phiên tăng thêm 100 đồng chiều mua vào, lên mức 25.000 đồng và giữ nguyên chiều bán ra. Số lượng chiều bán ra đang áp đảo, khiến giá mua vào tăng.

Việc điều chỉnh này, theo các chuyên gia kinh tế nhận định là động thái khó tránh khỏi để hạn chế bán ngoại tệ ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu. Hơn nữa, mặc dù cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tốt nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn, nên NHNN buộc phải áp dụng điều chỉnh tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá hối đoái.

Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề này tác động cả hoạt động xuất nhập khẩu của DN. Bởi về lý thuyết, tỷ giá USD tăng sẽ có lợi cho DN xuất khẩu và gây tác động tiêu cực cho DN nhập khẩu. Tuy nhiên, với diễn biến gia tăng mạnh của tỷ giá như trên thì sẽ có một số tác động lên hoạt động xuất nhập khẩu, chưa kể những DN vay vốn bằng ngoại tệ cũng sẽ chịu tác động khi chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá có thể tăng lên.

Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích của Chứng khoán VNDirect, so với các đồng tiền trong khu vực, tiền đồng vẫn là đồng tiền ổn định nhất. VNDirect cho rằng tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lộ trình tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phải bán bớt một phần dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá. Theo ước tính của nhóm phân tích, dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống còn khoảng 3,0 tháng nhập khẩu (khoảng 89 tỷ USD) so với mức 3,9 tháng vào cuối năm 2021. Do đó, NHNN có ít dư địa để hỗ trợ tỷ giá hối đoái hơn so với trước đây trong trường hợp đồng USD tiếp tục mạnh lên trong những tháng cuối năm 2022.

Trên cơ sở bám chắc diễn biến kinh tế của khu vực và thế giới, cộng đồng DN cũng cho rằng so với nhiều quốc gia, tỷ giá tại Việt Nam có tỷ lệ biến động thấp trong khu vực, cả nước vẫn duy trì xuất siêu nên việc nới biên độ tỷ giá và diễn biến tỷ giá như hiện nay không phải tác động quá lớn. Với xuất khẩu, nếu tỷ giá không đủ linh hoạt cũng rất khó cạnh tranh, xuất khẩu của dựa rất lớn vào nhập khẩu nên nếu VND mất giá nhiều thì xuất khẩu cũng chưa chắc được lợi.

Do đó, các DN cũng đồng thuận với việc điều hành chính sách tiền tệ như hiện nay khi dựa trên những tính toán tác động với nhiều khía cạnh của lạm phát, lãi suất, xuất nhập khẩu… Qua đó, trong chừng mực vẫn giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát. Phía các DN cũng mong muốn NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn kinh tế vĩ mô, giữ vững định hướng phát triển.