Giá vàng phi mã: Tại sao SJC 'một mình một chợ'?

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Cung vẫn nhỏ giọt, trong khi cầu ngày một tăng, hỏi thế làm sao giá vàng không tăng mạnh! Đây chính là hậu quả tất yếu của sự độc quyền trong sản xuất vàng miếng.

Giá vàng thế giới đang tiến về mốc 1.800 USD/oz. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới đang ngày một doãng ra.

1.900 USD/oz: điểm đến không xa?

Giá vàng tăng nằm trong kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Với những gì đang diễn ra đối với nhiều nền kinh tế thế giới thì việc không chỉ các nhà đầu tư mà cả ngân khố các quốc gia cũng đặt niềm tin vào vàng. Nhân thể, các nhà đầu tư lớn trên thế giới có điều kiện để làm giá, càng khiến giá vàng tăng cao.

Sau khi bán ra chốt lời vào tuần thứ ba của tháng 9, khiến giá vàng giảm nhẹ, việc tăng mua vào của các quỹ đầu tư, các quốc gia như Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, và đặc biệt là Trung Quốc, cộng thêm tác động tâm lý của gói hỗ trợ kinh tế QE3 của Mỹ (hai gói trước đã đẩy giá vàng tăng thêm 70%) khiến các chuyên gia dự báo giá vàng thế giới sẽ chạm mốc 1.900 USD/oz vào tháng 10 năm nay.

Và không chỉ là kỳ vọng, hôm 28/9, giá vàng thế giới đã tăng gần 30 USD/oz - một mức tăng kỷ lục chỉ trong một phiên giao dịch, đẩy giá vàng thế giới lên mức 1.782,69 USD/oz, và chưa có vẻ gì là sẽ dừng lại. Lao theo giá vàng thế giới, vàng trong nước vọt lên mốc 47,5 triệu đồng mỗi lượng, vượt qua đỉnh 47,4 triệu đồng hôm 14/9. Như vậy, chỉ trong tháng 9, giá vàng đã tăng 2,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng tăng mạnh khiến khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới "xác lập" hôm 28/9 là 2,4 triệu đồng/lượng, giảm so với ngày 27/9 là 2,9 triệu đồng/lượng.

Tại sao khoảng cách về giá này lại cứ ngày một doãng ra, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp để quản lý thị trường vàng? Mục tiêu đưa khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước về mức 400 ngàn đồng/lượng giờ đây trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Phải chăng vì thế mà Ngân hàng Nhà nước - cơ quan quản lý thị trường vàng "buông tay"?

Nguyên lý cơ bản của thị trường là cầu lớn hơn cung thì giá tăng, và ngược lại. Tất nhiên điều này cơ quan quản lý biết. Chính vì thế, để chặn đà tăng của giá vàng trong nước, từ trung tuần tháng 9, khi giá vàng thế giới bắt đầu có sóng mạnh thì Ngân hàng Nhà nước đã ra thông báo cho phép SJC được sản xuất vàng miếng với số lượng lên đến 350.000 lượng (tương đương 13 tấn). Nhưng, nói thế mà không phải thế.

Hậu quả tất yếu của độc quyền

Thông tin được chính ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh vàng miếng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết: tính đến cuối ngày 25/9, SJC đã gia công và bàn giao khoảng 23 ngàn lượng vàng SJC móp méo. Số lượng vàng mà SJC được giao "sản xuất" rất lớn, nhưng nguyên liệu lại phụ thuộc vào các đơn vị kinh doanh vàng khác! Nguồn nguyên liệu để sản xuất lại chủ yếu từ chính vàng SJC bị móp méo và các thương hiệu vàng phi SJC. Theo ông Toại, dự kiến số vàng SJC được dập lại vào khoảng 40.000 lượng.

Như vậy, số còn lại 310.000 lượng trông chờ vào các nguồn khác. Nguồn khác, trong lúc này chỉ là từ vàng của các thương hiệu phi SJC. Thế nhưng, mới 16 tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn ngạch gia công lại số vàng SJC móp méo và vàng thương hiệu khác. Trong số này lại có 5 đơn vị không chuyển vàng cho SJC. Số đơn vị có chuyển thì số lượng lại rất nhỏ, chỉ vài ngàn, thậm chí vài

Mới 16 tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn ngạch gia công lại số vàng SJC móp méo và vàng thương hiệu khác. Trong số này lại có 5 đơn vị không chuyển vàng cho SJC. Số đơn vị có chuyển thì số lượng lại rất nhỏ, chỉ vài ngàn, thậm chí vài trăm lượng.
trăm lượng.

Tóm lại, con số 13 tấn vàng cung ra thị trường là chưa thể có ngay. Cung vẫn nhỏ giọt, trong khi cầu ngày một tăng, hỏi thế làm sao giá vàng không tăng mạnh! Đây chính là hậu quả tất yếu của sự độc quyền trong sản xuất vàng miếng.

Tại sao các thương hiệu vàng khác không đưa vàng cho SJC? Giá vàng đang tăng mạnh, nhu cầu mua vàng cao. Và dù ít nhưng vẫn có người chấp nhận mua các thương hiệu vàng ngoài SJC.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đang có sẵn máy móc, cớ gì họ không chuyển vàng miếng thành vàng trang sức và bán với giá như vàng của SJC để thu lãi. Vì thực tế, khái niệm thế nào là vàng trang sức hiện rất mơ hồ. Nếu các thương hiệu vàng khác "cắt" vàng miếng thành từng chỉ, thậm chí đánh thành nhẫn 2 - 3 chỉ (vẫn là vàng trang sức!?) thì họ vẫn bán được. Việc này nhanh và hiệu quả hơn hẳn so với việc phải xin hạn ngạch của Ngân hàng Nhà nước rồi sau đó lại chờ SJC sản xuất.

Đến lúc đó, giá vàng lên hay xuống, ai mà dám chắc? Trong kinh doanh, thời cơ và thời điểm là quan trọng nhất! Đó là chưa kể, khi chuyển vàng đến dập lại tại SJC, các đơn vị kinh doanh vàng khác phải trả phí khoảng 50.000 đồng/lượng.

Một yếu tố khác khiến cầu lớn hơn cung: Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đến 25/11 các tổ chức tín dụng phải chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng.

Trước đây không ít NHTM đã "lỡ" chuyển một lượng lớn vàng thành VND nay phải lo chuyển lại; cộng thêm việc số lượng vàng gửi tại ngân hàng bị rút ra khá nhiều (do người dân muốn chuyển sang VND gửi tiết kiệm khi lãi suất cao, nhất là những ai trót mua vàng không phải của SJC. Và một số nữa rút ra để bán chốt lời khi giá vàng tăng cao). Như vậy, không chỉ có người dân đi mua vàng, mà chính các tổ chức tín dụng cũng mua rất nhiều để đảm bảo thanh khoản vàng cũng như cân đối trên tài khoản.

Ngân hàng Nhà nước có thể cải thiện nguồn cung bằng cách cho phép nhập khẩu vàng. Nhưng việc này quá mạo hiểm trong bối cảnh hiện nay. Trên thế giới, USD đang lên giá. Còn tỷ giá VND/USD trong nước cũng bắt đầu tăng. Đến ngày 28/9, giá mua vào niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã là 20.860 đồng/USD, bán ra 20.900 - 20.910 đồng/USD. Nếu nhập khẩu vàng phải cần đến đô la, điều này sẽ gây áp lực lớn lên tỷ giá, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Hơn nữa, sau rất nhiều nỗ lực, quỹ dự trữ ngoại hối mới tăng lên 11 tuần nhập khẩu. Trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động, nếu quỹ này eo hẹp thì ngân sách lấy gì chèo chống khi "có biến"?

Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông. Đã có một thời gian dài để Ngân hàng Nhà nước xây dựng, ban hành chính sách. Cho đến thời điểm này, phải chăng cơ quan quản lý đã "hết bài", nên để thị trường tự điều chỉnh? Nhưng nếu vẫn còn độc quyền, thì làm gì có cơ chế thị trường!?