Giá xăng dầu đang được điều hành chủ động, linh hoạt

Việt Hoàng (T/h)

Sáng ngày 16/3, trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tình hình cung ứng xăng dầu trong nước được duy trì ổn định, nguồn cung xăng dầu 3 tháng đầu năm được bảo đảm.

Trả lời vấn đề đại biểu chất vấn về kiểm soát giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bất ổn do gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột lợi ích và cạnh tranh chiến lược gay gắt… đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, trong đó nguồn cung và giá cả trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, nhất là về xăng dầu.

Bên cạnh đó, xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, ngành Công Thương đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề nêu trên để bảo đảm đáp ứng đủ xăng dầu trong nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại phiên chất vấn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại phiên chất vấn.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để bổ sung nguồn cung do thiếu hụt sản lượng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; chỉ đạo tăng cường chia sẻ nguồn cung giữa các đầu mối; kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với các chế tài cao nhất. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan điều hành xăng dầu theo đúng quy định của Nhà nước, bám sát diễn biến giá thế giới.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tình hình cung ứng xăng dầu được duy trì ổn định, nguồn cung xăng dầu 3 tháng đầu năm được bảo đảm và có phương án cụ thể, khả thi về nguồn cung đến hết quý II/2022 trong điều kiện năng lực sản xuất dầu trong nước vẫn chưa đạt được như cam kết.

Đối với công tác quản lý điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, giá xăng dầu sẽ được điều hành theo hướng biên độ giá xăng dầu thế giới tăng cao thì cố gắng điều hành biên độ tăng trong nước ở mức có thể chấp nhận được với công cụ là quỹ bình ổn, thuế, phí, các chính sách an sinh. 

Liên bộ Tài chính - Công Thương đã điều hành theo chu kỳ 10 ngày/lần, bám sát giá thế giới. Biên độ giá tăng của thế giới từ 40-60% nhưng biên độ giá trong nước chỉ tăng ở mức 29-40%, điều hành linh hoạt giá xăng dầu, sử dụng Quỹ bình ổn và kiến nghị Chính phủ để giảm thuế bảo vệ môi trường. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết liên bộ Tài chính - Công Thương đã điều hành linh hoạt giá xăng dầu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết liên bộ Tài chính - Công Thương đã điều hành linh hoạt giá xăng dầu

Làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo tính toán, khi giá xăng RON92 thế giới ở mức 130 USD/thùng thì các khoản thuế, phí được tính trên giá xăng gồm: thuế nhập khẩu chiếm 8% là 1.508 đồng, thuế giá trị gia tăng 10% là 2.036 đồng, chi phí định mức chiếm 6% là 1.050 đồng, lợi nhuận định mức là 300 đồng, trích quỹ bình ổn 300 đồng, thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng, thuế giá trị gia tăng là 2.805 đồng. 

Như vậy, với giá dầu thô 130 USD thì giá cơ sở là 30.800 đồng/lít, tỷ lệ thuế/giá xăng dầu là 33,5%. Do đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, phương án giảm thuế cũng chỉ là một giải pháp. Bởi khi giá xăng 130 USD/thùng, nếu giảm 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu thì giảm thu ngân sách nhà nước là 31.938 tỷ đồng. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, khi dầu thô tăng lên với giá dầu 130 USD/thùng, ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam, giá càng tăng thì sản xuất càng bị đình trệ, gây thiệt hại nặng nề. Do vậy, sắp tới các bộ chức năng phải chủ động tham mưu Chính phủ giải pháp đảm bảo nguồn cung, chống buôn lậu xăng dầu, giảm thuế bảo vệ môi trường để ứng phó với xu thế biến động giá xăng, dầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải thích về cơ cấu thuế trong công thức tính giá xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải thích về cơ cấu thuế trong công thức tính giá xăng dầu.

Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, đây là thuế gián thu, nhà sản xuất xăng dầu và nhập khẩu phải nộp. Theo quy định tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, việc đánh thuế mặt hàng xăng dầu cùng một số mặt hàng khác như bia, rượu được dùng như giải pháp góp phần sử dụng tiết kiệm xăng dầu. 

Phát biểu, làm rõ hơn về công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, trên tinh thần bảo đảm theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát, Chính phủ đã thực hiện một loạt giải pháp như: sử dụng Quỹ bình ổn giá, đã có nghị quyết báo cáo cấp có thẩm quyền để giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Về giải pháp dài hạn, Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sớm đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu tại Vũng Tàu; Tăng sản lượng khai thác; chú trọng việc tìm kiếm, thăm dò thêm các mỏ dầu mới...

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện đang xuất hiện tình trạng các đối tượng tập trung hoạt động đầu cơ xăng dầu găm hàng chờ lên giá; xuất lậu, nhập lậu, pha chế, làm giả xăng dầu, tuồn ra thị trường để tiêu thụ. Tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả về xăng dầu vẫn còn diễn biến rất phức tạp mặc dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực xử lý. Điển hình như vụ việc ở Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đồng Nai...

Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, chênh lệch giá xăng dầu hiện nay đang khiến buôn lậu xăng dầu tăng cao, nhất là khi trốn được thuế đã gây thiệt hại cho sản xuất, nhập khẩu chính thức.